Những lớp học giữa đại ngàn
Giữa đại ngàn với bộn bề khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô giáo dạy chữ tại thôn Thanh niên lập nghiệp (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) vẫn cần mẫn, nhiệt huyết với nghề gieo chữ.
Thiếu thốn đủ bề
Chỉ cách trung tâm xã khoảng 15 km, nhưng để đến được thôn Thanh niên lập nghiệp, phải mất gần cả giờ đồng hồ vượt qua quãng đường đất đỏ quanh co, lởm chởm ổ voi, ổ gà. Thôn có phân hiệu của Trường Mầm non Hoa Sen và Trường Tiểu học Nguyễn Trãi được thành lập đã 5 - 6 năm, nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
Phân hiệu Trường Mầm non Hoa Sen hiện có 4 giáo viên với hơn 45 học sinh, được chia làm 4 lớp, từ lớp nhà trẻ đến lớp lá. Tuy vậy, phân hiệu chỉ có 2 phòng học nên lâu nay các lớp vẫn phải học ghép (lớp nhà trẻ - lớp mầm; lớp chồi – lớp lá).
Giờ ra chơi của học sinh phân hiệu Trường Mầm non Hoa Sen. |
Phòng học đã thiếu lại còn xuống cấp trầm trọng. Hầu hết các cánh cửa sắt đều đã hoen gỉ, hỏng khóa; tường bị nứt nẻ từng mảng lớn. Vào mùa mưa, nước thấm vào tường không chỉ gây ẩm mốc, mà còn làm ướt cả lớp học. Một số khu vực còn bị sụt lún, khiến nền bị lõm sâu. Cô giáo H’Mít Niê cho biết, nhiều hôm mưa gió ào ào, cả cô và trò ngồi trong lớp chỉ lo tường sập. Cùng với đó, hệ thống tường rào còn tạm bợ, sân trường chưa được bê tông hóa. Nhiều năm qua, nhà vệ sinh của trường đã xuống cấp, không có nước để sử dụng…
Các lớp học cả ngày, nhu cầu cho trẻ học bán trú rất lớn, nhưng phân hiệu Trường Mầm non Hoa Sen vẫn chưa thể thực hiện vì thiếu nhà ăn và bếp nấu. Vì vậy, hầu hết học sinh phải về nhà ăn cơm trưa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
Bên cạnh phân hiệu Trường Mầm non Hoa Sen là phân hiệu của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, hơn 6 năm qua vẫn phải mượn tạm Trạm Y tế thôn không dùng để phục vụ việc dạy học.
Cô Trịnh Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ, do xây dựng đã lâu, các phòng học khá cũ kỹ, hệ thống cửa bị hư hỏng nặng. Đáng chú ý, các phòng học chật chội, không thể kê thêm bàn ghế nên đến các buổi dự giờ, giáo viên không có chỗ ngồi. Phân hiệu không có phòng chờ cho giáo viên, nhà vệ sinh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sức khỏe của cả cô và trò…
Nỗi niềm cô trò vùng biên
Chiều thứ 6, nhưng ở tại phân hiệu Trường Mầm non Hoa Sen, cô Cao Thị Dân vẫn miệt mài hướng dẫn các cháu cách tô vẽ. Nhà ở thôn Án (xã Ia Lốp), nên hơn 5 năm qua, cô Dân phải vượt hơn 10 km với khoảng 30 phút để đến điểm dạy. Hôm nào xe thủng lốp hay hết xăng giữa chừng thì quãng đường ấy lại càng xa gấp bội. Dạy học 2 buổi nên nhiều hôm cô phải ở lại trường, mang theo cơm trưa, mượn phòng học làm chỗ nghỉ tạm để chuẩn bị cho giờ dạy chiều.
Một giờ học ở phân hiệu Trường Mầm non Hoa Sen. |
Giá mà địa phương được đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đường sá, thì việc dạy và học của thầy cô, các em học sinh sẽ không phải vất vả như thế này…”
Anh Lý Văn Sài, Trưởng thôn Thanh niên lập nghiệp
|
Vất vả không thua kém là các giáo viên dạy tiểu học. Trung bình, mỗi ngày, các thầy cô phải vượt quãng đường 15 km, thậm chí như thầy giáo Lương Văn Năm phải đi trên 30 km. Đường xa, gập ghềnh sỏi đá, lại không có phòng chờ cho giáo viên, nên họ không có chỗ nghỉ ngơi, phải đứng đợi ở hành lang để chờ đến giờ vào lớp.
Đồng hành cùng học sinh, nếm trải mọi khó khăn ở vùng đất này, nên thấy các em chăm chỉ học, đến trường chuyên cần khiến các cô rất cảm động. Cô Dân tâm sự: “Nhiều học sinh mầm non phải vượt cả chục cây số đến lớp, nhưng dù mưa nắng, các em vẫn đi học đều đặn. Đây là động lực để những người dạy chữ như chúng tôi thêm yêu, tận tâm với nghề hơn”.
Thực tế, học sinh mầm non, tiểu học vất vả một thì hành trình tìm con chữ của học sinh cấp 2, cấp 3… còn khó khăn hơn nhiều. Hằng ngày, các em phải vượt qua quãng đường hun hút, nắng bụi, mưa lầy đến trung tâm xã hoặc các xã lân cận để học chữ. Đường đến trường quá chông chênh nên nhiều em phải chuyển trường hoặc ở nhờ nhà họ hàng để tiện cho việc đi lại.
Rời làng Thanh niên lập nghiệp khi chiều muộn, chúng tôi mang theo chia sẻ của một sĩ quan biên phòng, phụ trách địa bàn thôn: “Tầm cuối chiều, nhìn lũ trẻ đi học về mà xót xa! Chúng như bé nhỏ hơn khi đạp xe xuyên qua những cơn gió đại ngàn trên con đường đất mịt mù bụi. Khổ là vậy, nhưng được cái các em chăm học, không thua kém nơi nào”.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc