Multimedia Đọc Báo in

Vượt khó ở ngôi trường vùng sâu

14:38, 27/12/2017

Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân đứng chân trên địa bàn thôn 11, xã Cư San (huyện M’Đrắk), cách trung tâm xã 12 km, cách trung tâm huyện từ 30 - 40 km.

Những năm gần đây, do nằm trong diện tích quy hoạch Hồ thủy lợi Krông Pắc Thượng nên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân không được đầu tư thêm cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học rất khó khăn. Tuy nhiên, các thầy cô giáo nơi đây đã quyết tâm vượt khó, tận tụy với công tác giảng dạy, góp phần đưa trường trở thành điểm sáng trong ngành Giáo dục huyện M’Đrắk.

Thầy cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Cư San) vượt suối sâu bằng bè để đến trường.
Thầy cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Cư San) vượt suối sâu bằng bè để đến trường.

Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân nằm trong khu vực biệt lập sau những dãy đồi núi và sông suối. Muốn vào được trường có 3 hướng: đến trung tâm xã Cư San rồi ngược lại khoảng 12 km đường đất, hoặc đi băng qua 10 km đường đất xã Krông Á, hoặc qua xã Cư Pông (huyện Ea Kar) với 5 - 6 km đường đất song hướng nào cũng xa xôi, đường ngoằn nghèo với một bên là vách núi cao lởm chởm đá, một bên là vực sâu vài chục mét, mùa nắng đã khó đi, mùa mưa lại càng khó khăn hơn. Nhất là vào mùa mưa, các tuyến đường vào trường đều “tê liệt”, chỉ còn cách duy nhất là phải đi đường vòng trèo đèo, lội qua con suối thôn 9 nước sâu, chảy xiết bằng chiếc bè mảng kết từ 4 thùng phuy. Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân hiện có 26 cán bộ, giáo viên, hầu hết đều từ trung tâm huyện vào giảng dạy. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi mùa mưa lũ (tháng 9-11 âm lịch), các thầy cô giáo lại nơm nớp lo sợ mỗi khi băng rừng, vượt suối đến lớp.

Không chỉ cách trở về giao thông, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân còn đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi những năm gần đây, khu vực trường nằm trong diện tích quy hoạch Hồ thủy lợi Krông Pắc Thượng nên không được đầu tư thêm cơ sở vật chất. Với 16 lớp học, 405 học sinh từ các thôn 9, 10, 11 của xã Cư San, tất cả đều là học sinh dân tộc thiểu số, nhà trường hiện có 3/9 phòng học tạm bợ; khu tập thể và nhà làm việc phải tận dụng lại cơ sở của điểm trạm y tế xã trước đây nay đã xuống cấp, không có tường rào bao quanh; trang thiết bị dạy học vô cùng thiếu thốn.

Khó khăn là vậy nhưng các thầy cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân vẫn luôn tâm huyết, gắn bó với học sinh vùng sâu Cư San. Tình yêu nghề, thương các cô cậu học trò người Mông lam lũ, ham học là động lực giúp các thầy cô giáo luôn nỗ lực, bất chấp khó khăn, nguy hiểm vượt qua những cung đường khó khăn đến trường, cần mẫn chăm chút từng bài giảng sao cho các em dễ hiểu, dễ tiếp thu. Sự nỗ lực của các thầy cô đã góp phần không nhỏ đưa chất lượng giáo dục của ngôi trường nơi vùng sâu Cư San này ngày càng được nâng cao.

Đường đến trường lầy lội, trơn trượt.
Đường đến trường lầy lội, trơn trượt.

Nhiều năm liền, công tác dạy học và xây dựng phong trào, hoạt động nhằm tạo sân chơi bổ ích, thu hút học sinh đến lớp của trường luôn đạt kết quả cao. Năm học 2016-2017, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân có 29 học sinh đoạt giải trong kỳ thi giải toán Violympic trên mạng Internet cấp trường, 9 em đoạt giải cấp huyện, trong đó có 1 em được dự thi cấp tỉnh. Nhà trường cũng đoạt giải Nhì toàn đoàn trong cuộc thi Giai điệu tuổi hồng năm học 2017-2018. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học đạt 97%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Nhà trường có 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó, 54% giáo viên có trình độ đại học, cao đẳng; thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện đạt 100 %; 4/4 đề tài của trường dự thi sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện đều đoạt giải. Nhiều năm liền, Chi bộ nhà trường đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”... 

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.