Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng từ cuộc thi "Sáng tạo vật dụng vệ sinh trường học"

08:05, 07/01/2018

Hội thi “Sáng tạo vật dụng vệ sinh trường học” do Sở GD-ĐT vừa tổ chức đã để lại những ấn tượng khó quên. Đây là một trong những hoạt động truyền thông thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Trong 2 tháng tổ chức, cuộc thi đã thu hút đông đảo giáo viên, học sinh của hầu hết các trường từ mầm non đến THPT trên địa bàn toàn tỉnh tham gia  với tinh thần học hỏi, nâng cao nhận thức về bảo vệ vệ sinh môi trường và nước sạch, đặc biệt là thay đổi nhận thức và hành vi sử dụng, bảo quản các công trình vệ sinh trong trường học. Vòng sơ khảo có 165 sản phẩm dự thi. Nhiều đơn vị có số lượng sản phẩm cao như huyện Cư M’gar có 85 sản phẩm, huyện Cư Kuin 80 sản phẩm, huyện Krông Ana 34 sản phẩm…; trong đó, có nhiều sản phẩm tập thể với 10 cán bộ, giáo viên cùng tham gia; nhiều sản phẩm hoàn toàn do nhóm  học sinh sáng chế.

Nhóm học sinh sáng chế chiếc máy quét rác sân trường không dùng động cơ.
Nhóm học sinh sáng chế chiếc máy quét rác sân trường không dùng động cơ.

Từ cuộc thi đã xuất hiện những ý tưởng đề tài mang ý nghĩa thực tiễn cao, có thể áp dụng rộng rãi trường học và tại hộ gia đình, như: máy đốt rác thông minh; thùng rác thông minh; bộ xử lý hút mùi xử lý khí độc trong phòng thí nghiệm; máy chà gạch men nhà vệ sinh điều khiển tự động; máy quét rác sân trường không dùng động cơ; bộ tẩy rửa diệt khuẩn nhà vệ sinh bằng tự nhiên; bộ xử lý nước sạch không gây ô nhiễm... Có các nhóm giáo viên đã tìm những vật liệu sẵn có tại địa phương, vận dụng các nghiên cứu khoa học đã được công bố rộng rãi để tạo nên các sản phẩm mang lại lợi ích thiết thực; chẳng hạn như: các vật dụng đã hết khả năng sử dụng như lốp xe ôtô, lốp xe máy, thùng, xô chậu…  được chế tạo để làm thành những thùng rác ngộ nghĩnh, những chậu hoa xinh xắn thu hút học sinh đến bỏ rác đúng nơi quy định; những bộ salon nhỏ nhắn được chế tạo từ lốp xe ôtô...

Đáng chú ý là bộ “diệt khuẩn nhà vệ sinh bằng tự nhiên” của thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng (Trường THCS Tô Hiệu, huyện Krông Ana) đã gây ấn tượng mạnh tại cuộc thi. Ưu điểm của sản phẩm này là tác giả đã dùng phương pháp chưng cất tinh dầu từ sả, bồ kết và cây dứa thơm để tạo ra dung dịch có khả năng diệt khuẩn nhà vệ sinh, tạo mùi thơm tự nhiên vừa rẻ tiền, vừa dễ thực hiện, không làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe. Thầy Dũng cho biết: “Trung bình 1 kg lá dứa sau khi xử lý sẽ đóng gói thành túi thơm, và mùi thơm có thể kéo dài từ 10 - 15 ngày, giá thành sản phẩm không quá 10.000 đồng một bịch túi thơm để treo trong nhà vệ sinh. Hay tinh dầu sả và bồ kết không những có khả năng diệt khuẩn, diệt côn trùng cao, hương thơm dễ chịu mà giá thành cũng không quá 200.000 đồng/ lít cho một tháng sử dụng tại khu vệ sinh trường học”.

Bộ ghế salon nhỏ xinh được chế tạo từ lốp xe ôtô đã qua sử dụng.
Bộ ghế salon nhỏ xinh được chế tạo từ lốp xe ôtô đã qua sử dụng.

Hơn 20 bộ sản phẩm được chọn vào vòng chung kết là những mô hình, sản phẩm, vật dụng cụ thể được sáng tạo để phục vụ cho việc bảo quản, sử dụng, giữ gìn vệ sinh chung các công trình: nhà vệ sinh, hệ thống cấp nước và vệ sinh trong trường học. Sản phẩm dự thi đều được thuyết minh nêu rõ ý tưởng sáng tạo, cách sử dụng, vận hành, khả năng ứng dụng vào thực tiễn, hiệu quả kinh tế, hiệu quả tác động hành vi, nhận thức, thậm chí còn có  ảnh chụp  minh họa việc ứng dụng vào thực tiễn tại đơn vị. Như bộ sản phẩm thùng rác thông minh của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm (Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, huyện Cư M’gar) có thể di chuyển và có những ngăn nhỏ để học sinh bỏ mỗi thứ rác khác nhau vào một ngăn khác nhau. Cô Thắm cho rằng ngay từ nhỏ, trẻ em cần được học cách phân loại rác trước khi đưa ra bãi rác. Biết phân chia rác thải đúng quy định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 Theo Ban tổ chức cuộc thi, các mô hình, sản phẩm, vật dụng tham gia dự thi lần này đều bảo đảm các tiêu chí như: tính sáng tạo, tính khoa học, tính giáo dục, khả năng ứng dụng vào thực tiễn, hiệu quả kinh tế. Nhiều sản phẩm đã truyền cảm hứng, giáo dục người sử dụng và cộng đồng xung quanh về việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều sản phẩm có khả năng ứng dụng thực tiễn cao, thậm chí đã được thử nghiệm và hoạt động có hiệu quả tại nhà trường.   

Xuân Hòa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.