Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng học trò nghèo vùng sâu

09:46, 07/02/2018

Gần 10 năm nay bếp ăn tình thương tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) đã tiếp sức, nâng bước cho nhiều  học sinh nghèo trên hành trình chinh phục tri thức, theo đuổi những ước mơ. Bếp ăn đã trở thành hình ảnh minh chứng sống động cho tình cảm thầy trò thiêng liêng ở ngôi trường vùng xa này…

 Cứ đều đặn, từ thứ Hai đến thứ Tư hằng tuần, sau khi tiếng trống kết thúc tiết học thứ 5 vang lên, 50 học sinh ở các khối lớp lại có mặt đông đủ tại bếp ăn tình thương của trường. Trong khuôn viên sạch sẽ, rộng khoảng 30 m2, những chiếc bàn ăn được các thầy cô sắp đặt gọn gàng, tô, mì tôm, nước sôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Các em trật tự, lần lượt lấy khẩu phần dành cho mỗi người là 2 gói mì và bắt đầu bữa trưa. Vừa dùng bữa, các em vừa trò chuyện rộn ràng, sôi nổi, những gói mì tôm nóng đã trợ sức, tiếp thêm năng lượng, giúp các em tạm quên đi những mệt nhọc sau hơn 5 giờ đồng hồ học căng thẳng buổi sáng, bắt đầu cho tiết học tăng cường buổi chiều.

Các em học sinh tăng gia, phụ thêm vào bữa ăn.
Các em học sinh tăng gia, phụ thêm vào bữa ăn.

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nằm cách trung tâm huyện khoảng 10 km. Trường có trên 660 học sinh, trong đó có 50 em ở các xã vùng sâu, vùng xa như Ea Uy, Ea Yiêng, cách trường từ 12-15 km, giao thông đi lại khó khăn, đa số các em đến trường bằng xe đạp, vì vậy không đủ thời gian đi, về trong những ngày có tiết học tăng cường buổi chiều nên tất cả đều chọn giải pháp ở lại buổi trưa. “Cách đây 9 năm, khi trường mới thành lập, các thầy cô đều từ xa đến nên không biết hoàn cảnh vất vả của các em. Buổi trưa, thấy các em túm tụm ở sân trường, 5-7 em chia nhau, san sẻ một gói mì tôm. Hỏi ra, các em mới thổ lộ, nhà xa phải ở lại trường, không có gì ăn trưa, bạn nào có mì tôm mang theo thì chia cho các bạn khác, lấy sức tiếp tục học buổi chiều… Xót xa cho học trò nghèo, các thầy, các cô cùng bàn bạc, thành lập bếp ăn, giúp các em có một bữa trưa đủ no. Bếp ăn tình thương ra đời từ ngày ấy”, cô Phan Thị Ly, Chủ tịch Công đoàn nhà trường hồi tưởng lại.

Để có kinh phí tổ chức bữa trưa, các thầy cô trẻ, đa số mới vừa ra trường, được phân công về dạy đã tự nguyện đóng góp, trích một phần lương hằng tháng để hỗ trợ các em. Ban đầu, có khoảng 10 em ở lại, trường có cô tạp vụ, thương học trò nghèo đã tự nguyện nấu ăn, phục vụ các em, song dần dà, số học sinh ở lại buổi trưa tăng lên nhiều nên không có đủ thời gian, nhân lực để nấu nướng, nhà trường bàn bạc, thống nhất dùng mì tôm để các em tự túc bữa trưa. Để các em không nhàm chán với mì tôm, nhà trường liên tục thay đổi thực đơn bằng cháo gói, xúc xích, hoặc hôm nào thịnh soạn hơn thì có thêm một nồi nước xương hầm.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chuẩn bị bữa trưa cho các em.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chuẩn bị bữa trưa cho các em.

 

 

“Thành công lớn nhất khi bếp ăn tình thương ra đời là tình cảm thầy trò đã gắn kết hơn, các em hiểu tấm lòng thầy cô nên dù vất vả, khó khăn vẫn siêng năng, chăm chỉ, nỗ lực học tập, không có trường hợp em nào bỏ học giữa chừng. Đó chính là món quà ý nghĩa, quý nhất mà chúng tôi nhận được”. 

 

Cô Phan Thị Ly tâm sự

Thấu hiểu tấm lòng thầy cô, không chỉ tâm huyết, chăm lo cho sự nghiệp gieo chữ mà còn luôn quan tâm đến sức khỏe của mình, các em học sinh không ỷ lại mà “hỗ trợ” thầy cô bằng cách “tăng gia sản xuất”, tự tay cuốc đất, trồng rau củ, bổ sung thêm vào bữa ăn. “Toàn là rau củ sạch cả đấy chú ạ. Tụi con ăn với mì tôm không hết, thầy cô thương tình mua lại, lấy tiền bổ sung thêm vào kinh phí, phục vụ bữa trưa cho tụi con”, em Tháy, học sinh lớp 10A3 cho biết.

Tấm lòng thơm thảo, hết mình vì học trò yêu của thầy cô ngôi trường nghèo đã lan tỏa, được nhiều người biết đến khi Hội Chữ thập đỏ của huyện hỗ trợ trường mỗi tháng 2 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ xã Tân Tiến cũng góp thêm 100.000 đồng/tháng để cùng san sẻ chi phí phục vụ bữa ăn với nhà trường. Bên cạnh đó các thầy cô ở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, một số hộ dân của xã Tân Tiến, nhiều em học sinh của trường có điều kiện cũng thường xuyên giúp bạn nghèo bằng cách ủng hộ những gói mì tôm để bạn no lòng mỗi khi đến trường. Nhà trường hy vọng, sẽ tiếp tục có thêm sự hỗ trợ về kinh phí của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp để trường không những tiếp tục duy trì mà còn có điều kiện cải thiện bữa ăn, phục vụ các em tốt hơn.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.