Xuân đến sớm ở điểm trường vùng cao Liêng Keh
Sau hơn 1 năm học tập, giảng dạy trong ngôi trường tạm bợ, điểm trường Mầm non Hoa Mai tại làng Mông (buôn Liêng Keh, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) vừa được hỗ trợ xây dựng khang trang. Đây không chỉ là niềm vui của các em học sinh mà còn là niềm mong mỏi của người dân trong làng hơn 10 năm qua.
Niềm vui từ ngôi trường mới
Làng Mông (buôn Liêng Keh) là làng nghèo, xa xôi của xã Đắk Phơi, có 81 hộ với 372 nhân khẩu. Người dân ở đây hầu hết là dân di cư từ phía Bắc vào từ năm 2007, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Do điều kiện đường xa, các em trong độ tuổi đi học mẫu giáo phải ở nhà tự chơi với nhau hoặc được bố mẹ đưa đi làm rẫy đến tối mới về. Do vậy, khi đến tuổi lên lớp 1 các em vẫn chưa nói sõi tiếng phổ thông, chưa làm quen với môi trường lớp học khiến việc học tập trở nên khó khăn. Mong muốn cho thế hệ sau có tương lai tốt đẹp hơn, người dân ở đây đã làm đơn xin mở một điểm trường mầm non tại buôn. Năm 2016, điểm trường mầm non tại đây được thành lập, 12 hộ dân tại buôn đã hiến hơn 400 m2 đất để xây dựng trường. Điểm trường vốn chỉ là một căn nhà lá đơn sơ rộng 18 m2, được ngăn thành 2 gian, 1 gian cho giáo viên ở và 1 gian làm lớp học. Mỗi lần đi qua, nhìn cảnh học sinh và giáo viên phải học trong lớp học lụp xụp, xiêu vẹo, người dân ở đây rất xót xa.
Học sinh mầm non học tập trong lớp học khang trang. |
Vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với công ty Cổ phần kinh doanh khí miền Nam - Chi nhánh Nam Trung Bộ hỗ trợ xây dựng một “lớp học tình thương” mới khang trang cho điểm trường này. Anh Lồ Seo Sểnh (công an viên buôn) phấn khởi cho biết, đây là mong mỏi của học sinh, giáo viên và người dân ở trong làng từ lâu. Từ nay, các em sẽ được học tập và sinh hoạt trong môi trường tốt hơn, không còn cảnh phải nghỉ học giữa chừng vì mưa gió, hay run sợ vì học trong lớp học tạm bợ. Trân trọng việc làm ý nghĩa của các mạnh thường quân, anh Sểnh và bà con nơi đây luôn dặn dò con em trong làng giữ gìn và bảo vệ lớp học.
Hành trình thầm lặng gieo mầm tri thức
Trường mầm non Hoa Mai có 20 giáo viên phần đông là người dân tộc thiểu số như M’nông, Tày, Êđê… giảng dạy tại 8 điểm trường ở xã Đắk Phơi và điểm trường làng Mông (buôn Liêng Keh) là điểm xa xôi, khó khăn nhất. Giảng dạy tại đây là 2 giáo viên còn rất trẻ, cô H’Lanh Jiê (dân tộc M’nông, sinh năm 1996) và cô Sầm Thị Huế (dân tộc Tày, sinh năm 1993) đều chưa lập gia đình, nhưng sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân để mang con chữ đến với học trò. Muốn vào đây, từ trung tâm xã phải vượt qua hơn 30 km, trong đó có 7 cây số đường rừng nên 2 cô tạm trú tại trường, đến cuối tuần mới về nhà.
Bữa ăn trưa của các cháu tại điểm trường làng Mông (buôn Liêng Keh). |
“Lớp học tình thương” tại làng Mông (buôn Liêng Keh) có diện tích 72 m2 gồm 1 phòng học, 1 phòng ở cho giáo viên, 2 công trình vệ sinh, hệ thống nước sạch và một sân chơi trị giá trên 200 triệu đồng được Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Công ty Cổ phần kinh doanh khí miền Nam - Chi nhánh Nam Trung Bộ hỗ trợ xây dựng.
|
Gắn bó tại điểm trường hơn 1 năm qua, cô H’ Lanh Jiê cho biết, ra trường cô dạy tại điểm trường chính một tháng, sau đó được phân công vào dạy tại đây. Thời gian đầu là thời gian vô cùng khó khăn, đến nơi nhìn bốn bề chỉ thấy rừng, mạng điện thoại chập chờn lúc được lúc mất, người dân ở đây lại rất ít người nói được tiếng phổ thông khiến cô nản lòng. Nhưng tình yêu nghề, khao khát được đứng trên bục giảng, cảm thông với những khó khăn của người dân nơi đây đã giúp cô vượt qua những trở ngại ban đầu. Cô H’Lanh kể, do cuộc sống của người dân còn vất vả nên học sinh thường địu luôn cả em đến trường. Sĩ số lớp mầm non năm nay chỉ có 23 em, nhưng hôm nào lớp cũng có hơn 30 em. Để giảng dạy tốt, cô Lanh đã tự học thêm tiếng Mông, đến nay đã nghe nói được.
Mới đặt chân vào đây chưa đầy một tháng, cô Sầm Thị Huế nhiều lần chứng kiến không ít những câu chuyện cảm động của những học trò nơi đây. Dù nắng hay mưa các em đều đến trường rất sớm, không nghỉ buổi nào. Em nào nhà xa không về được thì mang cơm tới trường ăn trưa, bữa cơm thường chỉ có cơm, rau và một chai nước. Nhìn học sinh của mình các cô không khỏi xót xa nhưng đó là động lực để cô bám lớp, bám trường mang con chữ đến cho các em.
Sống giữa bốn bề rừng núi mãi thành quen, cảm giác khó khăn, áp lực đối với các cô không còn nữa. Ngày dạy học, chiều tranh thủ đọc sách, soạn giáo án, buổi tối tới nhà thăm gia đình học sinh. Dẫu con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của giáo viên, sự đồng lòng của người dân và các mạnh thường quân, hy vọng rằng học sinh nơi đây sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc