Multimedia Đọc Báo in

Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cần sự đột phá

06:51, 24/03/2018

Năm 2017 là năm đầu tiên triển khai đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), vì vậy không ít cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh khi chuyển giao và sáp nhập còn lúng túng nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Chủ yếu là đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng

Toàn tỉnh có 40 cơ sở GDNN, gồm: 5 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 23 trung tâm GDNN, trong đó có 15 Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên huyện và 2 cơ sở có tham gia hoạt động GDNN. Theo đánh giá của Sở LĐ-TBXH, hầu hết các cơ sở GDNN đã chủ động, sáng tạo nhằm thực hiện công tác tuyển sinh, làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bằng các hoạt động như: ngày hội việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp, cam kết giải quyết việc làm sau đào tạo…

Tính đến ngày 31-12-2017, các cơ sở GDNN của tỉnh tuyển sinh được 32.978 học sinh, sinh viên, tăng 101% so với kế hoạch năm và tăng 104% so với kết quả tuyển sinh năm 2016. Trong đó, cao đẳng nghề có 1.328 sinh viên, trung cấp nghề 1.530 học sinh, sơ cấp nghề và dưới 3 tháng 30.120 người (đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2.481 người). Năm 2017, có 24.752 học sinh, sinh viên, người lao động hoàn thành chương trình đào tạo, trong đó 16.277 người có việc làm (đạt 65,7%).

Tiết thực hành nghề dệt truyền thống tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên.
Tiết thực hành nghề dệt truyền thống tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các cơ sở GDNN đã tiến hành biên soạn lại chương trình, giáo trình theo quy định, đảm bảo về khối lượng kiến thức tối thiểu, phân phối chương trình hợp lý, khoa học giữa thực hành và lý thuyết. Đặc biệt là đổi mới trình tự thực hiện chương trình đào tạo để hướng tới việc đào tạo kỹ năng nghề cơ bản cho học sinh, sinh viên ngay học kỳ đầu năm thứ nhất. Rà soát, đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật, bổ sung những thay đổi trong quy định của nhà nước, những tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngành, nghề đào tạo, gắn nội dung đào tạo với thực tiễn sản xuất kinh doanh và dịch vụ của thị trường lao động. Vì vậy, người lao động sau khi tốt nghiệp đều có tay nghề đáp ứng theo yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyển sinh nghề trong năm 2017 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đào tạo nghề chủ yếu là đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng, còn đào tạo chính quy (cao đẳng, trung cấp) chỉ chiếm khoảng hơn 10% trên tổng số tuyển mới trong năm. Quý I năm 2018, các cơ sở GDNN chỉ mới tuyển sinh trình độ sơ cấp 2.148 người và đào tạo thường xuyên 2.019 người. “Không phải đến năm 2017 công tác tuyển sinh hệ trung cấp mới gặp khó mà là từ năm 2014. Nhà trường đã “xoay” đủ cách và triển khai nhiều giải pháp, nhưng kết thúc năm 2017, cũng chỉ tuyển sinh đạt 42% chỉ tiêu (tương đương 100 học sinh). Năm 2018, tình hình tuyển sinh e rằng còn khó khăn hơn”, bà Trần Thị Minh Lý, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đắk Lắk cho hay.

Cần chủ động, sáng tạo hơn

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017 và triển khai nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2018 về lĩnh vực GDNN mới đây, ngành LĐ-TBXH đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cũng như phân tích sâu nguyên nhân của công tác đào tạo nghề.

Giờ thực hành của học sinh ngành cắt gọt kim loại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk.
Giờ thực hành của học sinh ngành cắt gọt kim loại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk.

 

Năm 2018, các cơ sở GDNN của tỉnh dự kiến tuyển mới 33.790 người; trong đó đào tạo trình độ cao đẳng 1.600 người, trung cấp 2.650 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 29.540 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn 8.700 người.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TBXH, bên cạnh nguyên nhân khách quan là do tâm lý của gia đình và xã hội, thì một số cơ sở GDCN chưa chủ động, sáng tạo trong việc tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, còn có tâm lý trông chờ vào chính quyền địa phương các cấp. Một số cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch đào tạo chưa sát với thực tế sản xuất, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương nên không thu hút được người học. Việc định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông đăng ký tham gia học nghề còn ở mức thấp… Thêm một nguyên nhân nữa là trên địa bàn tỉnh số doanh nghiệp khá ít, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp không nhiều, nhiều người lao động có tâm lý không muốn xa gia đình để đi làm ở nơi khác. Phần lớn người lao động tham gia học nghề có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có nguồn vốn để tổ chức sản xuất. Hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách có tính bắt buộc để doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo nghề trong quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động…

Vì vậy, bà Phạm Thị Loan, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TBXH) cho rằng, để tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất và hiệu quả về công tác GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động, các cơ sở GDNN cần làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu, tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Triển khai mạnh việc đào tạo thường xuyên theo hình thức vừa học vừa làm đối với người lao động có nhu cầu đào tạo lại. Đồng thời đào tạo theo đặt hàng, gắn với kết quả đầu ra, đáp ứng nhu cầu sử dụng của cơ sở sản xuất và doanh nghiệp…

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.