Multimedia Đọc Báo in

Tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh

08:59, 26/04/2018

Năm học 2018-2019, một số trường trung học cơ sở (THCS) trong tỉnh được phép tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thay vì xét tuyển như những năm học trước. Quy định này đang thu hút sự quan tâm rộng rãi của xã hội.

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông ĐỖ TƯỜNG HIỆP, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) để làm rõ hơn nội dung này.

°Thưa ông, vì sao năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT lại đồng ý cho một số trường THCS (tùy điều kiện thực tế tuyển sinh) được phép tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thay vì chỉ xét tuyển như thời gian qua?

Trước tiên tôi khẳng định, THCS là cấp học phổ cập, vì vậy các trường THCS phải có nhiệm vụ tuyển sinh tất cả học sinh trong đối tượng tuyển sinh trên địa bàn được UBND giao theo phân tuyến tuyển sinh. Các phòng GD-ĐT tùy theo điều kiện thực tế lập kế hoạch tuyển sinh theo hai phương án: xét tuyển, hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh. Theo đó, các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn 150% chỉ tiêu theo địa bàn tuyển sinh, các phòng GD-ĐT có thể đề xuất phương án tổ chức tuyển sinh xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực trình UBND cấp huyện phê duyệt và báo cáo Sở GD-ĐT trước khi thực hiện. Việc tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh được Sở GD-ĐT thực hiện theo tinh thần của Thông tư số 05/2018-TT-BGDĐT, ngày 28-2-2018 của Bộ GD-ĐT.

Trước năm học 2014-2015, các trường THCS được phép tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực. Tuy nhiên, ngày 3-11-2014 Bộ GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1501/CT- BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học, trong đó yêu cầu “Không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”.

 Mới đây, ngày 28-2-2018 Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT cho phép “Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và căn cứ vào tình hình phát triển giáo dục phổ thông của tỉnh, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố tùy điều kiện thực tế để lập kế hoạch tuyển sinh theo hình thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh phù hợp với đặc thù địa phương và đảm bảo phổ cập giáo dục.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT).
Ông Đỗ Tường Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT).

°Theo ông, việc tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh có phù hợp với tình hình hiện nay?

Theo cá nhân tôi, việc tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực kết hợp với xét tuyển sẽ góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh vào các trường THCS. Để đánh giá đúng năng lực học tập của một học sinh cần phải đánh giá suốt cả quá trình học tập một cách toàn diện và kết hợp với đánh giá thông qua bài kiểm tra năng lực đầu vào.

Cũng xin lưu ý rằng, chúng ta đang đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Việc quy định đánh giá năng lực học sinh cần phải được nhận thức và thực hiện đúng đắn. Điều này khác với đánh giá kiến thức vì kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực. Đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh có được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Sở GD-ĐT trong việc thực hiện hình thức và nội dung kiểm tra, đánh giá năng lực đầu vào.

Nhìn nhận theo một góc độ khác, việc tổ chức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực sẽ là cơ hội tốt để phát hiện những học sinh có năng khiếu và nhà trường sẽ làm tốt hơn công tác tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần phát triển giáo dục mũi nhọn của tỉnh nhà.

°Để đạt được kỳ vọng như mong đợi, đồng thời giảm thiểu tiêu cực, đặc biệt là việc luyện thi để thi vào các trường THCS trọng điểm như trước đây, ngành Giáo dục sẽ phải làm gì?

  Việc dạy - học hiện nay đang theo xu thế phát triển năng lực của người học.  Do đó, việc kiểm tra, đánh giá năng lực này đáng lẽ ra có thể thực hiện ở nhiều môn học. Tuy nhiên, việc dạy - học ở một số môn, chẳng hạn như môn tiếng Anh ở các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện theo các chương trình đào tạo chưa đồng đều và chất lượng dạy học ngoại ngữ giữa thành thị và nông thôn còn có sự chênh lệch dẫn đến sự không công bằng đối với học sinh trong kiểm tra, đánh giá. Vì vậy, trong năm học 2018-2019 tuyển sinh bằng hình thức khảo sát năng lực, các em học sinh thực hiện hai bài kiểm tra: Toán, tiếng Việt, đảm bảo yêu cầu bốn cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Đương nhiên, khi có sự đồng đều về môi trường học tập, phương án tuyển sinh sẽ có những thay đổi.

Điểm xét tuyển là điểm trung bình cộng của các tổng điểm số điểm tính theo kết quả xếp loại giáo dục và đánh giá giáo dục của 5 năm học tiểu học cộng với trung bình cộng các điểm kiểm tra năng lực của hai môn Toán và tiếng Việt, sau đó chia 2 rồi mới cộng với điểm ưu tiên. Điểm trúng tuyển sẽ là kết quả kiểm tra năng lực kết hợp với  kết quả học tập ở cấp tiểu học, cộng với điểm ưu tiên.

Với những lý do trên, tình trạng dạy thêm, học thêm được hạn chế rất nhiều. Và đến một thời điểm nào đó trong lộ trình đổi mới giáo dục, dạy thêm học thêm sẽ không còn là nhu cầu học tập của học sinh trong tuyển sinh.

°Xin cảm ơn ông!

Nguyên Hoa (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.