Thực hiện bán trú dân nuôi ở Krông Bông: Còn đó những nỗi lo
Do nhà xa trường, hàng trăm học sinh (đa số là người Mông) ở các Trường THCS Cư Pui, THCS Cư Đrăm và THPT Trần Hưng Đạo (huyện Krông Bông) không thể đi về trong ngày mà phải ở lại khu bán trú của trường hoặc ở trong những căn lều dựng tạm gần trường. Tuy nhiên, việc sinh hoạt của học sinh trong các khu bán trú đang nảy sinh nhiều vấn đề hết sức phức tạp.
Ở xã Cư Đrăm có hơn 100 học sinh Trường THCS Cư Đrăm và THPT Trần Hưng Đạo đang ở bán trú hoặc trọ học; trong đó có 96 em ở trong khu bán trú của trường, còn hàng chục em vẫn phải ở các lều tạm bên ngoài. Đây là khu lều tạm được phụ huynh mượn đất của những người dân gần trường dựng lều cho con em mình trọ học. Mỗi căn lều rộng chưa đầy 8 m2 với 3-5 học sinh ở; phòng chật hẹp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng; đồ dùng, quần áo, sách vở bề bộn. Các em tự nấu ăn ngay trong phòng ở, thức ăn chủ yếu là rau, mắm muối, thỉnh thoảng có ít cá khô. Em Cư Seo Đại, học sinh lớp 12A1 (nhà ở thôn Ea Hăn, xã Cư Đrăm) có em trai học lớp 6 cũng ở bán trú trong căn lều gần trường, phòng ở chỉ rộng chừng 3 m2, không có điện. Đại nói: “Gia đình em khó khăn lắm. Mỗi tuần chỉ về nhà một lần để lấy gạo, lấy củi. Thức ăn chủ yếu là rau, mắm muối thôi”.
Trường THCS Cư Pui cũng có gần 100 học sinh đang phải trọ học xa nhà trong khi khu bán trú của nhà trường chỉ đủ cho hơn chục em ở, đa số các em vẫn phải ở trong những căn lều tạm bên ngoài. Hai căn phòng tạm mỗi phòng rộng khoảng 20 m2 nhưng có đến hơn 40 học sinh cả nam lẫn nữ ở chung. Đồ đạc, vật dụng bày biện lộn xộn. Mỗi khi học bài, các em phải nằm ra giường để viết vì không có bàn. Giờ giấc sinh hoạt, học tập, vui chơi cũng không có ai kiểm tra, nhắc nhở.
Những căn lều bán trú của học sinh xã Cư Đrăm. |
Nhiều phụ huynh rất lo lắng khi con phải trọ học trong tình trạng như vậy nhưng cũng không còn giải pháp nào khác. Ông Dương Văn Thanh (thôn Ea Rớt) có hai con đang học lớp 6 tại Trường THCS Cư Pui. Ông rất lo ngại vì việc sinh hoạt vô cùng phức tạp của các con ở khu bán trú: chỗ ở chật chội, nam nữ ở chung, ăn uống thất thường, không có người nhắc nhở việc học hành nên kết quả học tập không cao; tuy nhiên, do điều kiện gia đình khó khăn nên đành chấp nhận. Ông Thanh than thở: “Mỗi tuần tôi cho con khoảng 50.000 đồng mua thức ăn nhưng chúng không dùng tiền mua thức ăn mà sử dụng vào việc khác nên ăn uống thiếu chất, hay bị ốm. Chỗ ở chật chội, ồn ào, các con không tự giác học hành, lại dễ bị cuốn vào các trò chơi vô bổ nên lực học rất yếu”.
Ngay cả hơn 100 học sinh trong khu bán trú được xây dựng khang trang ở các trường cũng gặp khó khăn. Trường THPT Trần Hưng Đạo đã được đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp 14 phòng ở, xây dựng hệ thống nhà ăn, công trình vệ sinh, nước sạch sinh hoạt; Trường THCS Cư Pui xây mới 10 phòng ở bán trú và các công trình phụ trợ cho học sinh; Trường THCS Cư Đrăm xây 2 phòng ở bán trú… song đến nay các trường vẫn chưa được công nhận bán trú dù đã nhiều lần làm tờ trình đề nghị.
Cảnh nhếch nhác trong các phòng ở bán trú của học sinh xã Cư Pui. |
Do không phải là mô hình bán trú nên các khu phòng ở này chỉ được xem là nhà cho học sinh mượn ở, các trường không có biên chế quản sinh, cấp dưỡng, bảo vệ. Trường chỉ cung cấp phòng cho các em ở, còn gia đình và học sinh đều phải tự túc hoàn toàn từ ăn uống, dọn vệ sinh đến chi phí điện, nước. Thiếu sự quản lý nên việc sinh hoạt, học tập của các em cũng không có nền nếp. Dù nhà trường có bếp nấu, nhà ăn nhưng các em vẫn tự nấu và ăn ngay trong phòng ở; giờ giấc sinh hoạt thất thường; đặc biệt là khâu giữ gìn vệ sinh, bảo quản cơ sở vật chất không bảo đảm. Thầy Mai Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo ái ngại: “Học sinh THCS Cư Đrăm và THPT Trần Hưng Đạo ở chung trong khu nhà ở nhưng không có sự quản lý nên rất phức tạp. Nhiều học sinh không có ý thức giữ gìn vệ sinh, không tiết kiệm điện, nước, nhà trường thường phải bỏ kinh phí để sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh”.
Các trường nói trên rất mong mỏi được sớm công nhận là mô hình bán trú dân nuôi để thuận lợi trong quá trình quản lý và bảo đảm chế độ cho các em học sinh. Bên cạnh đó, các trường cũng mong sẽ được đầu tư xây dựng thêm các khu nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, để các em không còn phải trọ học trong những căn lều tạm bợ, nhếch nhác.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc