Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục là để cho cuộc sống tốt đẹp hơn

07:01, 03/06/2018

Mỗi năm học khép lại, bên cạnh niềm vui về kết quả học tập tốt của con cái là sự lo lắng, tâm lý so sánh của nhiều bậc phụ huynh về thành tích học tập của con và áp lực thi cử khi mùa thi chuyển cấp sắp tới.

Đọc những gì Alfred North Whitehead viết trong “Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác” (The aims of education and other essays, 1929; Bản dịch tiếng Việt năm 2017 do các dịch giả Hoàng Phú Phương, Tiết Hùng Thái, Hà Dương Tường dịch; Nxb Hồng Đức), hy vọng có thể giúp chúng ta nhìn lại và xác tín một đường hướng giáo dục phù hợp, trước hết là trong việc xác định mục tiêu của giáo dục.

Whitehead nhấn mạnh mục tiêu của giáo dục chính là làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Vậy thì bằng cách nào để mục tiêu này đạt được? Trước hết, ông cho rằng “chúng ta phải đưa ra hai mệnh lệnh giáo dục: “Không dạy quá nhiều môn học” và tiếp theo là “Dạy cái gì phải dạy cho thấu đáo” (Sđd, tr.29).

Ông chỉ ra sai lầm của giáo dục: nhồi nhét chính là nguyên nhân của sự trơ ì tư duy và biến đứa trẻ từ một con người vốn sinh ra đã rất hoạt động, năng nổ với đời sống của chính nó bằng cách quan sát, bắt chước và học hỏi thì lại có thể trở thành một đứa trẻ thụ động.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Whitehead gọi ý tưởng trơ ì là “những ý tưởng chỉ đơn thuần được nhồi nhét vào trong tâm trí mà không được sử dụng, không được kiểm định và cũng không được kết hợp lại một cách mới mẻ” (Sđd, tr.29). Vì vậy rất cần thiết trong việc xác định nội dung giảng dạy dù ít nhưng là những nội dung quan trọng mà người học dù là trẻ nhỏ cũng có thể biến tri thức đó thành của mình: “Những ý tưởng được đưa vào việc giáo dục một đứa trẻ nên ít thôi nhưng thật quan trọng, và hãy làm sao cho những ý tưởng ấy được đưa vào trong mọi kiểu có thể có. Đứa trẻ phải biến những ý tưởng ấy trở thành ý tưởng của chính nó, và phải biết cách áp dụng chúng ngay lập tức trong tình huống của cuộc đời thực của chúng” (Sđd, tr.29). Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, thông điệp “dạy cái gì phải dạy cho thấu đáo” của Whitehead có lẽ cần được nhấn mạnh như một trong những yêu cầu bắt buộc mà người giáo viên nào cũng phải nhìn nhận nó thuộc về bổn phận của mình.

Quan điểm của Whitehead về “giáo dục là sự sở đắc nghệ thuật sử dụng tri thức” (Sđd, tr.33) cho thấy một điều rõ ràng là học mà không hiểu, hoặc không dùng được sự hiểu biết của mình thì càng học càng có hại. Whitehead viết tiếp: “… về bản chất, nền giáo dục khai phóng hướng đến tư tưởng và thẩm định mỹ học. Nó tiến hành bằng cách phổ biến kiến thức về những kiệt tác về tư tưởng, về văn học hư cấu và về nghệ thuật. Hành động mà nó trông đợi là sự tinh thông. Đó là một nền giáo dục quý phái bao hàm sự nhàn rỗi”. Hẳn rằng, từ nhiều năm qua, sự “nhàn rỗi” trong giáo dục dường như đã bị bỏ quên với những người làm giáo dục, với học sinh và với cả phụ huynh. Có lẽ bởi sự “nhàn rỗi” xa lạ như vậy nên giáo dục mới thật khó khăn trong “phổ biến kiến thức về những kiệt tác về tư tưởng”!

Nuôi con ăn học, ai cũng muốn con mình đạt được kết quả tốt nhất trong học tập. Nhưng kết quả học thế nào là tốt là một câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà gây không ít hoang mang cho các bậc phụ huynh. Giáo dục để mỗi cá nhân thực sự nên người hữu dụng cho gia đình, cho xã hội là mục tiêu hướng tới giá trị thực của học vấn. Và được hưởng nền giáo dục là để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải để chịu áp lực.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.