Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi phong trào khuyến học, khuyến tài ở Hòa Hiệp

08:41, 05/06/2018

Trong những năm qua, xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) đã thực hiện tốt phong trào khuyến học, khuyến tài, trở thành điểm sáng trong công tác khuyến học, khuyến tài ở huyện Cư Kuin.

Hội Khuyến học xã Hòa Hiệp đã tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia vào các hoạt động khuyến học, khuyến tài với phương châm “mỗi cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh ở các nhà trường là một hội viên khuyến học; mỗi dòng tộc là một phân hội khuyến học; mỗi thôn, buôn, nhà trường, tổ chức tôn giáo là một chi hội khuyến học”. Nhờ đó, phong trào khuyến học, khuyến tài đã thu hút sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành, đoàn thể của xã, các nhà trường, dòng tộc, thôn, buôn và các tổ chức tôn giáo.

Hội Khuyến học xã đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cho chủ trương vận động hội viên và các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân đóng trên địa bàn xã tham gia ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, quỹ khuyến học của xã vận động được hơn 85 triệu đồng, các chi hội khuyến học cũng đã xây dựng quỹ được hơn 257 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội Khuyến học xã và các chi hội đã biểu dương, khen thưởng, hỗ trợ hơn 860 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi và học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập. Bên cạnh đó, Hội Khuyến học xã Hòa Hiệp còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên xã thực hiện mô hình “Tiếp sức học sinh nghèo đến trường” hỗ trợ 16 lượt học sinh đặc biệt khó khăn với số tiền trên 18,5 triệu đồng. 

Hội Khuyến học xã Hòa Hiệp tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó.
Hội Khuyến học xã Hòa Hiệp tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó.

Phong trào xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học luôn được  Hội Khuyến học xã Hòa Hiệp duy trì và phát triển. Toàn xã có 1.430 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Từ phong trào thi đua khuyến học, xã Hòa Hiệp có nhiều gia đình hiếu học tiêu biểu như: gia đình ông Nguyễn Tấn Đức (thôn Kim Phát) là hội viên cựu chiến binh dù không có đất đai canh tác nhưng đã xoay xở vượt khó, tích lũy xây dựng cuộc sống gia đình ổn định và nuôi 4 người con ăn học trưởng thành. Hay như vợ chồng ông Nguyễn Văn Phước (thôn Mới) là thương binh hạng 2/4, nuôi 3 người con ăn học thành tài, cả 3 người con của ông đều có trình độ đại học trở lên và có việc làm ổn định tại TP. Hồ Chí Minh...

Một trong những điểm nổi bật trong phong trào khuyến học ở xã Hòa Hiệp là thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng khu dân cư, xứ đạo, họ đạo, cơ quan đơn vị, dòng họ hiếu học. Đến nay, xã Hòa Hiệp đã xây dựng được 22 chi hội khuyến học, trong đó tổ chức tôn giáo có 5 chi hội, 8 chi hội thôn, buôn, 6 chi hội trường học và 1 chi hội cơ quan. Hằng năm, các chi hội đều tổ chức trao thưởng cho học sinh có thành tích cao, trao học bổng, hỗ trợ học sinh nghèo đến trường với số tiền, quà trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhiều chi hội làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, tiêu biểu như Ban Khuyến học giáo xứ Kim Phát, giáo xứ Giang Sơn, giáo xứ Đông Sơn, giáo họ Kim Thành, Chi hội Tin lành buôn Kpung, Chi hội Trường Tiểu học Hoàng Hanh và thôn Hiệp Tân... Ngoài các tập thể thực hiện tốt công tác khuyến học, trên địa bàn xã còn có các cá nhân tiêu biểu đã tích cực ủng hộ quỹ khuyến học của xã như gia đình ông Vũ Quốc Khanh (thôn Thành Công) tặng 10 chiếc xe đạp trị giá 15 triệu đồng, ông Nguyễn Hồng Khanh (thôn Kim Phát) tặng 4 xe đạp trị giá 5 triệu đồng cho học sinh nghèo hiếu học...

Ông Ngô Tấn Lễ, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho biết: Ngoài các cơ quan, đơn vị, thôn, buôn, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn xã cũng có truyền thống và phong trào hiếu học từ lâu. Đặc biệt, bà con giáo dân đã tích cực hưởng ứng phong trào “khuyến học gắn với xây dựng khu dân cư, xứ đạo, họ đạo, cơ quan đơn vị, dòng họ hiếu học”, và phong trào “Ba an toàn về an ninh trật tự” trong vùng tôn giáo. Để tạo kinh phí cho hoạt động khuyến học, các tôn giáo đã tích cực kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của bà con, con em xa quê. Đến nay, quỹ khuyến học của xã và các chi hội có trên 342 triệu đồng, riêng các tổ chức tôn giáo đã huy động được trên 100 triệu đồng. Hằng năm tỷ lệ học sinh giỏi các cấp đều tăng, nhiều em đỗ đại học với điểm số cao, tỷ lệ con em trong xã đi học cao đẳng, đại học và thạc sĩ ngày một nhiều.

Hồng Khanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.