Multimedia Đọc Báo in

Dựng lều để "nuôi"... con chữ

14:55, 25/09/2018
Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang, huyện M’Đrắk) có 216 học sinh đều là người dân tộc thiểu số, trong đó học sinh dân tộc Mông chiếm 80%.
 
Phần lớn các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn, nhà cách xa trường. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, chưa có nhà ở nội trú, nhà trường đã phối hợp với một số cha mẹ học sinh dựng tạm một số lều trọ học ngay trong khuôn viên trường để giúp hành trình đi tìm con chữ của các em bớt khó khăn, vất vả.

Đưa chúng tôi đi thăm những phòng “nội trú” của học sinh được dựng tạm ngay trên khu đất trống của nhà trường, cô Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường phân trần: “Nếu không linh động tạo điều kiện để phụ huynh dựng tạm 3 phòng trọ cho con em họ ngay trong khuôn viên trường, rút ngắn con đường đến lớp thì chắc nhiều em học sinh dân tộc Mông gặp rất nhiều khó khăn khi theo học 2 buổi/ngày”.

Bữa cơm trưa của các em học sinh dân tộc Mông tại nơi ở phụ huynh dựng tạm trong Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang).
Bữa cơm trưa của các em học sinh dân tộc Mông tại nơi ở phụ huynh dựng tạm trong Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang).

Năm học 2016-2017, sau khi đề xuất và được sự đồng thuận của nhà trường, những phụ huynh ở thôn Ea Kiêu (xã Ea Trang) – nơi cách trường khoảng 10 km đã đóng góp gỗ cũ, tôn, ngày công dựng tạm 3 phòng “nội trú” cho các em. Từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành “mái nhà chung” của học sinh dân tộc Mông nơi vùng sâu này. Mỗi căn phòng chỉ rộng chừng 20 – 30 m2, bên trong là chiếc bàn cũ kỹ, những chiếc giường tạm và một ít xoong nồi chén bát.

Để giúp học sinh cải thiện bữa ăn, Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động 24 cán bộ, giáo viên trong trường đóng góp từ 20.000 - 30.000 đồng/người/tháng để có kinh phí nấu bữa cơm đủ dinh dưỡng cho học sinh vào thứ 3 hằng tuần.

Em Thào Thị Soa, học sinh lớp 4A kể: “Bố mẹ em đi làm xa, khoảng 10 – 15 ngày mới về nhà một lần, không có thời gian đưa em đi học. Nhà em ở rất xa trường, phải đi qua nhiều khu đồi núi quanh co. Từ khi được vào đây ở, em thích đi học lắm vì không phải vất vả đi sớm, về muộn như trước nữa”.

Năm học 2018-2019 này Vàng A Phương (học sinh lớp 5A) vui lắm vì được chuyển từ điểm trường ở thôn Ea Boa ra đây học. Phương được ở “nội trú” như các bạn, không phải sáng đi tối về, mang theo cơm trưa như trước nữa. Phương tâm sự, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, 4 anh chị đã có gia đình riêng, chỉ còn mình em đi học. Bố mẹ đi làm rẫy ở xa, cuối tuần em lại đi bộ về nhà cùng các bạn để lấy gạo, cá khô, mì tôm mang đi ăn dần. Ở đây rất vui vì được sinh hoạt, học bài cùng các bạn và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các thầy cô giáo.

Ông Kháng Seo Vàng trông coi, nhắc nhở các em việc ăn, học, sinh hoạt.
Ông Kháng Seo Vàng trông coi, nhắc nhở các em việc ăn, học, sinh hoạt.

Hiện khu “nội trú” này có 40 học sinh dân tộc Mông từ lớp 1 đến lớp 5 ở. Để có người trông coi, phụ giúp việc sinh hoạt của các em, phụ huynh đã tự thỏa thuận, đóng góp tiền trả công cho ông Kháng Seo Vàng  (SN 1960) nhà ở thôn Ea Kiêu ra đây ở cùng các em. Ông Vàng cho biết, ông bị tật ở chân, không làm được việc nặng nên ở đây phụ giúp chăm sóc học sinh. Các cháu có gì thì ông nấu cái đó. Buổi tối ông có nhiệm vụ nhắc nhở các cháu học bài và đi ngủ đúng giờ...

Cô Phạm Thị Hòa cho biết thêm, không chỉ tạo điều kiện về chỗ ở cho các em, Ban Giám hiệu nhà trường còn giao trách nhiệm cho Đoàn thanh niên và bảo vệ nhà trường hỗ trợ an ninh, bảo đảm an toàn, phối hợp quản lý học sinh trong những ngày ở tại trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn hỗ trợ điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nước uống cho các em, tạo điều kiện cho các em xem ti vi vào những lúc rảnh rỗi nhằm nâng cao đời sống tinh thần.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.