"Gieo" chữ giữa ngàn khơi
Hòa cùng nhịp sống đất liền, ngày 5-9, học sinh ở ba đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa cũng đã bước vào năm học mới. Dẫu cách đất liền hàng trăm hải lý và điều kiện sống còn muôn vàn khó khăn, trở ngại, song những đứa trẻ nơi hải đảo xa xôi vẫn được tung tăng cắp sách tới trường trong niềm vui trọn vẹn, đủ đầy.
Niềm vui vào năm học mới
Trường học đảo Song Tử Tây năm học 2018 - 2019 có hơn chục học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 5, tất cả là con em của bà con ngư dân tỉnh Khánh Hòa đang sinh sống làm ăn trên đảo. Phấn khởi có con gái vào lớp 1, chị Nguyễn Hải Lam không giấu được niềm vui xen lẫn xúc động, chia sẻ: “Ở giữa biển khơi mà các cháu vẫn được cắp sách tới trường học, vui vẻ như ở đất liền, thật quá tuyệt vời. Tất cả cơ sở vật chất như quần áo, sách, bút, cặp đều được cấp phát miễn phí. Phụ huynh rất phấn khởi và yên tâm”.
Trường Sa Lớn được coi là “thủ phủ” của quần đảo Trường Sa. Năm học 2018 - 2019, Trường học Trường Sa Lớn đón hơn chục học sinh vào các lớp bậc tiểu học. Cũng như trường học đảo Song Tử Tây, tất cả các em học sinh ở Trường Sa Lớn đều được cấp sách, bút, cặp miễn phí; các em còn được tặng quần áo đồng phục, mũ, dép. Năm học này, gia đình ngư dân Trần Tiến Mạnh có hai con đi học, đứa lớn lớp 4, đứa nhỏ lớp 1. Trước khi bước vào năm học mới, ngoài quà của cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa gửi tặng, các con anh còn nhận được quà của ông bà nội ngoại hai cháu từ đất liền gửi ra. Anh Mạnh phấn khởi: “Ở Trường Sa mà các cháu vẫn có đầy đủ sách vở, bút, cặp và còn được các chú bộ đội tặng quà nữa. Năm học mới ở Trường Sa cũng vui vẻ, đầy đủ như ở đất liền”.
Học sinh trên đảo Trường Sa bước vào năm học mới với sự quan tâm của thầy cô, gia đình và cả những người ở đất liền. |
Đứng chân giữa dải biển lịch sử và “nhạy cảm” trong Cụm đảo Sinh Tồn, Trường Tiểu học đảo Sinh Tồn nhiều năm đạt trường kiểu mẫu dạy tốt - học tốt. Năm học 2018 - 2019, Trường Sinh Tồn có hơn chục học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Trước khi bước vào năm học mới, Trường Sinh Tồn đã được quét vôi mới và trang bị thêm một số đồ dùng dạy học cho năm học mới. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ cho biết: “Mặc dù ở nơi khó khăn gian khổ xa cách đất liền, song việc dạy và học ở đảo luôn được coi trọng. Trong bất kỳ điều kiện khó khăn nào, các em nhỏ cũng đều được đến trường học chữ”.
Những người thầy “gieo” chữ giữa ngàn khơi
Là thiếu sót nếu không kể ra đây những giáo viên dạy học ở Trường Sa. Họ là những thanh niên trẻ đang ngày đêm thầm lặng cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Nhiều người gọi họ là “bảo mẫu” đặc biệt, có người gọi là “con ong” chăm chỉ “gieo” chữ nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Từ 2013 trở về trước, việc dạy học ở Trường Sa do các cô giáo đảm nhiệm mà người đầu tiên xung phong ra giảng dạy nơi đây là cô giáo Bùi Thị Nhung. Sau đó, để thuận tiện việc đi lại, cơ động và hợp lý hóa gia đình, từ năm 2013 đến nay, việc dạy học ở các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn do các thầy giáo đảm nhiệm.
Suốt 5 năm gắn bó với Trường Tiểu học đảo Trường Sa Lớn, thầy giáo trẻ 27 tuổi Đồng Minh Hiệp có rất nhiều kỷ niệm song kỷ niệm xúc động nhất là lần đầu tiên bước chân xuống tàu đi đảo. Khi con tàu xa dần thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), nước mắt Hiệp rưng rưng hẹn ngày gặp lại. Đến khi đảo Trường Sa hiện dần trước tầm mắt, anh cũng xúc động nghẹn lời. Đặt chân lên cầu cảng cũng là lúc những học sinh ra cầu cảng đón anh, Hiệp choàng tay ôm những đứa trẻ chưa biết tên và bảo thầy sẽ dạy các em học chữ. Thầy Hiệp tâm sự: “Kỷ niệm ấy tôi không bao giờ quên. Được dạy học ở Trường Sa, với tôi đó là niềm vinh hạnh bởi mình được cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc”.
Trẻ em ở Trường Sa vui đùa bên bờ sóng. |
Do học sinh ở Trường Sa ít nên phải học ghép. Một phòng học có bốn lớp. Mình thầy Hiệp đảm nhiệm dạy bốn lớp khác nhau. Để thuận lợi, lớp học được bố trí “xoay vòng”, tức là bảng được treo ở bốn bức tường, học sinh học lớp nào thì ngồi hướng về bảng ấy. Đảm nhiệm dạy bốn lớp cùng lúc nên thầy Hiệp phải linh hoạt trong bố trí lịch. Khi thầy giảng bài cho lớp 3 thì học sinh lớp 1 tự ôn, hoặc làm bài tập.
Các lớp ra chơi cùng một giờ và tất cả chơi chung. Dạy học nhưng thầy cũng làm “bảo mẫu” luôn. Em nào khóc đòi về với ba mẹ thì thầy dỗ dành; các em cãi nhau thầy phải phân giải; thậm chí khi đang học có em muốn đi vệ sinh, thầy cũng dẫn trò đi. “Tất cả việc đó lúc đầu thấy hơi ngại, nhưng sau quen và trở nên bình thường. Ngày nào không thấy các em là ngày đó cảm giác trống trải”, thầy Hiệp trải lòng.
27 tuổi đời, thầy giáo Lê Xuân Quyết có 6 năm “gieo” chữ ở đảo Song Tử Tây. Biết bao thay đổi trong 6 năm ấy song có kỷ niệm không bao giờ mờ phai trong tâm khảm thầy Quyết là cảm xúc lần đầu đặt chân đến đảo vào tháng 3-2013. Thầy kể: “Đêm đầu tiên nằm trên đảo giữa ầm ào sóng vỗ, tôi không sao chợp mắt. Một phần vì nhớ đất liền, một phần xúc động, thiêng liêng. Tôi mường tượng ra lớp học chỉ có vài em học sinh thơ ngây, tiếng trẻ ê a đọc chữ bên bờ sóng. Phải mất cả tuần sau tôi mới bắt nhịp được cuộc sống ở đảo. Bây giờ các em học sinh ở đảo vừa là học sinh, vừa là bạn, vừa là cháu của mình. Càng gắn bó với các em, tôi càng thấy yêu đời, yêu nghề dạy học”.
Cùng dạy học với thầy Quyết còn có thầy Lê Văn Mạnh. Cũng là thầy giáo trẻ xung phong đi đảo, thầy Mạnh đã gác tất cả chuyện riêng tư, gia đình tập trung cho công tác dạy học nơi đảo xa. “Với tôi, được dạy học ở đảo Trường Sa không chỉ là vinh dự, mà còn là khát vọng. Tôi muốn dạy các em học sinh ở đảo học con chữ để khẳng định rằng, ở tận đường biên xa xôi của Tổ quốc, học sinh Trường Sa vẫn được học tập như ở đất liền. Điều đó với tôi là tất cả còn khó khăn, gian khổ dần sẽ quen, sẽ vượt qua”, thầy Mạnh bộc bạch.
Mai Thắng
Ý kiến bạn đọc