Multimedia Đọc Báo in

Tích cực phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ ở ngôi trường vùng khó

08:41, 27/09/2018

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, Trường Mẫu giáo Sao Mai ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ, trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh.

Trường Mẫu giáo Sao Mai có tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 86%. Cô Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Mai chia sẻ: Do đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi, một số ít đi làm thuê nên ý thức về phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em chưa cao. Thực trạng đó đòi hỏi nhà trường phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bữa ăn của các cháu có đủ chất dinh dưỡng cần thiết cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, đối với bữa ăn của trẻ, nhà trường thực hiện tính khẩu phần ăn bằng phần mềm dinh dưỡng để cân đối 4 nhóm dưỡng chất: đạm, béo, tinh bột và vitamin; thường xuyên thay đổi thực đơn, cách chế biến giúp kích thích cảm giác thèm ăn của trẻ. Ngoài ra, trường còn tận dụng quỹ đất trống phía sau nhà bếp để trồng thêm rau xanh. Vườn rau không chỉ góp phần cung cấp rau sạch cho bữa ăn của trẻ mà còn giúp các cháu được trải nghiệm thực tế với thế giới thực vật sinh động.

Trường Mầm non Sao Mai luôn quan tâm để trẻ phát triển toàn diện.
Trường Mầm non Sao Mai luôn quan tâm để trẻ phát triển toàn diện.
 
“Trẻ em dưới 5 tuổi là giai đoạn rất quan trọng trong việc phát triển thể trạng. Vì vậy, ngoài việc thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo quy định, nhà trường luôn chăm lo chu đáo cho từng bữa ăn, giấc ngủ của trẻ, bảo đảm trường lớp sạch sẽ, thông thoáng”.
 
Cô Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Mai

Việc theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ theo biểu đồ phát triển trẻ em cũng được nhà trường thực hiện định kỳ 3 tháng một lần nhằm kịp thời phát hiện trẻ suy dinh dưỡng, béo phì, từ đó có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho từng đối tượng. Chị H’Kút Mlô có con đang học tại đây nhận xét: “Từ khi cho con học ở Trường Mẫu giáo Sao Mai tôi rất yên tâm. Cháu phát triển tốt về cân nặng và chiều cao, đặc biệt khi về nhà đã biết cách vệ sinh cá nhân, lễ phép với người lớn”.

Cô Phạm Thị Hường cho biết thêm: Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, nhà trường thường tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm ngoài trời. Việc chạy nhảy, hít thở không khí trong lành sẽ góp phần nâng cao thể lực, giúp cơ thể hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng và tạo tâm lý thoải mái, hào hứng cho các bé. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với phụ huynh nắm bắt tình hình sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện, phòng, chống các dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho các cháu từ gia đình đến trường học.

Một bữa ăn trưa của trẻ tại trường.
Một bữa ăn trưa của trẻ tại trường.

Theo đánh giá của ông Phạm Thành Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Búk, nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa gia đình và nhà trường, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở Trường Mẫu giáo Sao Mai thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng của trường liên tục giảm qua các năm. Nếu năm học 2016-2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trường chiếm 16,5% thì đến năm học 2017 – 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 6,5%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 13,5% xuống còn 7,9%. Kết quả này đã tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh khi gửi gắm con em tới trường, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho khối mầm non trên địa bàn huyện.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.