Multimedia Đọc Báo in

Vượt khó ở một trường mầm non vùng sâu

10:39, 27/11/2018

Mặc dù là trường vùng sâu, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng với tấm lòng yêu nghề mến trẻ, cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Thanh Bình (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) luôn chú trọng công tác chăm sóc, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Trường Mầm non Thanh Bình nằm cách trung tâm xã Ea Sar gần 10 km. Trường được thành lập từ tháng 1-2017, gồm 1 điểm trường chính ở thôn Thanh Bình và 2 điểm lẻ ở buôn Xê Đăng và thôn Thanh Sơn – những thôn, buôn đặc biệt khó khăn của xã. Năm học 2018-2019, trường có 6 lớp với 216 học sinh (tăng 71 em so với năm học trước), trong đó có 163 học sinh dân tộc thiểu số, phần lớn đều thuộc những gia đình nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Học sinh Trường Mầm non Thanh Bình trong giờ ăn bán trú tại trường.
Học sinh Trường Mầm non Thanh Bình trong giờ ăn bán trú tại trường.

Cô Dương Thị Doanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Bình cho biết: Khi mới thành lập, toàn trường chỉ có 5 phòng học, trong đó có 1 phòng mượn, 2 phòng học tạm bợ và thiếu giáo viên cơ hữu nhưng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Năm học 2017-2018, nhà trường đã cùng với phụ huynh học sinh đóng góp ngày công, vật liệu để dựng một bếp ăn tạm và làm một vườn rau sạch ngay trong khuôn viên của trường. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ, số lượng các em ăn bán trú đã tăng từ 130 em lên 157 em.

Song song với công tác chăm sóc trẻ, cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Thanh Bình còn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy. Tranh thủ ngày nghỉ và những lúc ngoài giờ lên lớp, các cô giáo đã tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ từ những vật liệu phế thải như: lốp xe cũ, chai nhựa, bìa cát tông…

 
"Từ chỗ là chỉ những phòng học trơ trọi giữa bãi đất trống, xung quanh cỏ mọc um tùm, sau 2 năm, giáo viên và phụ huynh của trường đã tạo nên một khuôn viên xanh, sạch đẹp, có chỗ vui chơi cho trẻ...".
 
Cô Dương Thị Doanh

Đáng quý hơn cả là tấm lòng của các cô giáo trẻ không quản ngại khó khăn để đồng hành cùng học sinh vùng sâu. Dù mới chỉ là giáo viên hợp đồng với mức lương trung bình khoảng 2,9 triệu đồng/tháng nhưng 2 năm qua, cô Lê Thị Minh đều đặn vượt quãng đường hơn 35 km từ xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) đến trường để góp phần chăm sóc, dạy dỗ các em. “Sự bất đồng ngôn ngữ gây nhiều trở ngại trong việc dạy dỗ trẻ. Khắc phục điều này, các cô giáo trong trường luôn lồng ghép giúp các em làm quen với tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi, trong cả giờ học, giờ vui chơi, sinh hoạt lớp. Các cô còn sưu tầm tranh ảnh, hình vẽ, làm các con vật, đồ dùng minh họa, tập hát múa, xây dựng góc học tập giúp các em dễ dàng tiếp thu và sử dụng tiếng Việt thành thạo hơn”, cô Minh chia sẻ.

Nhờ thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ, năm học 2017 – 2018, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp của Trường Mầm non Thanh Bình đạt trên 92%; tỷ lệ trẻ chuyên cần cuối năm học đạt 97%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cả 2 thể nhẹ cân và thấp còi giảm từ 2-3%. Trường Mầm non Thanh Bình được UBND huyện Ea Kar đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Một buổi học của cô và trẻ Trường Mầm non Thanh Bình, xã Ea Sar.
Một buổi học của cô và trẻ Trường Mầm non Thanh Bình, xã Ea Sar.

Nói về mong muốn của nhà trường, cô Dương Thị Doanh bày tỏ: “Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng và các trang thiết bị, bổ sung biên chế giáo viên phục vụ nhu cầu giảng dạy, chăm sóc trẻ, góp phần chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho các em khi bước vào lớp 1”.

Xuân Thao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.