Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non còn nhiều vướng mắc

08:45, 05/12/2018

Theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP, ngày 5-1-2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non (sau đây gọi là Nghị định số 06), toàn tỉnh có 395 giáo viên mầm non được hưởng chế độ này. Trong đó, có 141 giáo viên dạy lớp ghép, 254 giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt, với tổng kinh phí chi trả là hơn 535 triệu đồng.

Ông Biện Văn Minh, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT) cho biết, sau khi có Nghị định số 06, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn triển khai, đồng thời có văn bản hướng dẫn thực hiện gửi các ban, ngành, UBND cấp huyện, phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ này tại tỉnh ta còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) hướng dẫn trẻ tập đọc.
Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) hướng dẫn trẻ tập đọc.

Cụ thể: theo quy định tại khoản 4, Điều 7 của Nghị định số 06, chỉ giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số (DTTS) tại các điểm lẻ của các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn mới được hỗ trợ thêm 450.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ là 9 tháng/năm (từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 5 của năm liền kề), tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Điều này gây ra sự không công bằng đối với các giáo viên dạy tại các điểm trường chính. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đều có học sinh DTTS. Ở các điểm trường chính cũng có lớp ghép và được tăng cường tiếng Việt nhưng lại không được hưởng chế độ như giáo viên dạy tại các điểm trường lẻ.

 
“Cần sớm có văn bản hướng dẫn chi trả chế độ; mở rộng chính sách thụ hưởng; quy định rõ số trẻ ghép trong một lớp, tỷ lệ học sinh DTTS; cấp bù kinh phí để chi trả cho giáo viên được hưởng chế độ, chính sách trong năm 2018”.
 
 Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa đề xuất

Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06 chưa quy định rõ: nếu giáo viên vừa dạy lớp ghép, vừa dạy tăng cường tiếng Việt thì được hưởng một chế độ (450.000 đồng/tháng) hay hưởng hai chế độ (900.000 đồng/tháng)? Đồng thời cũng chưa quy định rõ số trẻ học ghép trong một lớp bao nhiêu phần trăm trở lên thì giáo viên được hưởng chế độ hỗ trợ. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) băn khoăn: “Một lớp ghép hai độ tuổi, trong đó có 30 trẻ 5 tuổi và 3 trẻ 4 tuổi thì có trong diện được hưởng chế độ hay không? Và trong một lớp có bao nhiêu học sinh DTTS thì giáo viên được hưởng chế độ này”…

 Đời sống của giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chịu áp lực vì thời gian và cường độ làm việc căng thẳng, đặc biệt tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, các thôn/buôn nằm cách xa trung tâm. Và do điều kiện địa lý, dân cư, nhiều trường mẫu giáo, mầm non có nhiều điểm trường lẻ; số lượng trẻ từng độ tuổi ít phải tổ chức các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai đến nhiều độ tuổi, gồm nhiều dân tộc. Để đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, giáo viên mầm non phải đầu tư nhiều thời gian hơn cho công việc soạn bài, chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi. Ở trên lớp, giáo viên phải phân nhóm, làm việc với từng nhóm trẻ khác nhau cả về dân tộc cũng như độ tuổi, thời gian làm việc kéo dài 9 đến 10 giờ/ngày, chưa kể thời gian soạn bài và làm đồ dùng, đồ chơi tại nhà.

Cô và trò Trường Mầm non Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) đang tập văn nghệ.
Cô và trò Trường Mầm non Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) đang tập văn nghệ.

Chính sách hỗ trợ thêm đối với giáo viên mầm non có hiệu lực thi hành từ ngày 20-2-2018, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống. Trước nhiều vất vả vốn có đặc thù riêng của bậc học mầm non, ngoài tình yêu nghề, mến trẻ, rất cần chính sách hỗ trợ để giúp các thầy cô giáo mầm non phần nào tháo gỡ những khó khăn, áp lực trong cuộc sống cũng như chuyên môn. 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.