Giáo dục nhân cách học sinh thông qua lao động
Vấn đề giáo dục nhân cách, hình thành các kỹ năng sống luôn là một nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các nhà trường ở mọi cấp học.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mà Bộ GD-ĐT đang phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì hơn bao giờ hết, mỗi nhà trường dù ở cấp học nào cũng cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục học sinh qua lao động và coi đây là yếu tố không thể thiếu được trong hành trình đưa các em trở thành con người hữu ích của xã hội.
Để giáo dục học sinh về lao động, sau những giờ học trên lớp, giáo viên còn giao cho học sinh những công việc như: Quét sân trường, lớp; nhặt rác; nhổ cỏ; trồng cây xanh, cây cảnh; tưới cây; lau dọn phòng học, bàn ghế... Mỗi buổi lao động có thể được tiến hành thường xuyên sau mỗi giờ học, vào cuối tuần hay lồng ghép vào hoạt động trải nghiệm, vào chủ đề thực hành cho học sinh sẽ giúp ích rất lớn vào việc hình thành đức tính yêu lao động ở học sinh, giúp các em làm quen và có ý thức làm việc vì tập thể, rèn tính kiên trì, tính độc lập, tính đoàn kết... Đồng thời giúp các em thấu hiểu được một phần giá trị của lao động và nỗi vất vả của người lao động.
Thế nhưng, thời gian gần đây việc giáo dục lao động đối với học sinh giảm hẳn đi. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân như hiện nay học sinh đối mặt với áp lực học hành khá nặng nề; đời sống các gia đình đã nâng lên đáng kể, nhiều bậc phụ huynh còn nuông chiều con cái đã tạo cho con thói quen lười lao động. Ở trường học, thay vì cho học sinh tham gia lao động, nhà trường lại vận động phụ huynh học sinh đóng tiền để thuê khoán người làm thay… càng khiến các em có tâm thế ỷ lại, lười lao động. Hệ quả là các em sẽ thiếu đi những kỹ năng sống cần thiết, trở nên thụ động và lười biếng hơn.
Thiết nghĩ, giáo dục học sinh về lao động là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh. Nếu bỏ qua hoặc xem nhẹ đồng nghĩa chúng ta chưa hoàn thành mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh cả về đức - trí - thể - mỹ. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên nuông chiều con cái, thường xuyên giao việc để rèn cho con tính siêng năng, thói quen lao động. Nhà trường và các tổ chức Đoàn - Đội - Hội cần tổ chức các buổi lao động hữu ích, các hoạt động trải nghiệm nhằm định hướng cho các em biết yêu quý lao động và có thêm cơ hội rèn luyện năng lực của bản thân.
Văn Hà
Ý kiến bạn đọc