Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đề tập làm văn thuyết minh phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số

09:35, 06/01/2019

Kiểu bài tập làm văn thuyết minh được đưa vào giảng dạy trong chương trình môn Ngữ văn lớp 8 và lớp 9 bắt đầu từ đợt thay sách năm 2002.

Kiểu bài này yêu cầu học sinh cung cấp kiến thức về người, vật, việc bằng cách trình bày, giới thiệu, giải thích: “Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân… của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích” (Ngữ văn 8 - tập 1 – NXB Giáo dục).

Như vậy, đối tượng thuyết minh của kiểu bài này rất phong phú và đa dạng, gắn liền với thực tế cuộc sống. Điều đó đòi hỏi học sinh phải có kiến thức thực tế về cuộc sống, vận dụng những hiểu biết ấy để làm bài. Ở các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS ở các huyện trong tỉnh phần lớn học sinh là người dân tộc Êđê; độ tuổi của các em lớp 8, lớp 9 chỉ khoảng 14 - 15 tuổi, vốn sống còn ít ỏi, hiểu biết về tự nhiên, xã hội còn hạn chế. Chính vì thế, khi dạy kiểu bài này, giáo viên cần có những biện pháp giúp các em khắc phục những điểm yếu đó.

Trước hết, cần giúp các em nắm được các dạng bài thuyết minh thường gặp trong chương trình học. Sách giáo khoa có đưa ra khá nhiều đề bài tập làm văn thuyết minh nhưng chỉ có tính giới thiệu cho học sinh nhận biết. Giáo viên cần hệ thống hóa và phân loại các dạng bài cho học sinh thấy được các nhóm đối tượng thường gặp ở kiểu văn thuyết minh. Trong chương trình ngữ văn THCS, có thể tạm phân loại kiểu bài tập làm văn thuyết minh theo các dạng, như: thuyết minh về một loài cây (cây lúa, cây tre, cây dừa, cây hoa hồng…); thuyết minh về một thứ đồ dùng, một phương tiện (cái phích nước, bút bi, cặp sách, chiếc xe đạp); thuyết minh về một danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa - lịch sử (đền, đình, chùa, thác nước); thuyết minh về một con vật (trâu, bò, chim); thuyết minh về một món ăn, một cách làm…

Cách phân loại các dạng bài như trên chỉ là tương đối. Tuy nhiên, việc phân biệt dạng bài sẽ giúp học sinh có cái nhìn bao quát, tổng thể hơn về kiểu bài tập làm văn thuyết minh. Một khi biết xác định dạng bài, học sinh sẽ biết vận dụng phương pháp thích hợp đã được học để làm bài theo yêu cầu của đề.

Tiếp theo, khi ra đề tập làm văn thuyết minh, đề ra phải phù hợp với độ tuổi, với đặc điểm cuộc sống ở trường nội trú và đặc biệt là phải gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ. Hết sức tránh việc cho các em làm những đề văn kiểu: thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam, thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam… như trong các tài liệu giảng dạy, vì những đề như thế không phù hợp với học sinh người dân tộc thiểu số. Nên chọn các đối tượng gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống của các em để ra đề. Ví dụ như với dạng bài thuyết minh về một loại cây, có thể cho thuyết minh về cây kơnia, cây cà phê, một loại cây ăn quả trong vườn nhà mà em ưa thích. Thuyết minh về một đồ vật  như quả bầu khô, chiếc gùi, ché rượu, bộ cồng chiêng, một nhạc cụ dân tộc như sáo đinh puốt, khèn đinh năm; thuyết minh về chiếc giường tầng ở phòng nội trú; thuyết minh về bộ trang phục của dân tộc em, thuyết minh về một món ăn của dân tộc em (canh cà đắng, cơm lam)…

Việc xây dựng một ngân hàng đề tập làm văn thuyết minh cho học sinh dân tộc thiểu số ở trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS là rất cần thiết. Phương pháp này vừa tạo sự hứng thú học tập cho các em, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học vừa là một cách thiết thực để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học.

Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.