Kinh nghiệm ôn thi hiệu quả môn Lịch sử
Lịch sử là một trong ba môn thuộc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia hằng năm. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, có đến hơn 83% thí sinh dưới điểm trung bình, hơn 1.200 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) và 527 thí sinh bị điểm 0 ở môn Lịch sử. Kết quả trên cho thấy, nhiều học sinh chưa có kỹ năng và phương pháp ôn thi phù hợp và hiệu quả đối với môn học này.
Để làm tốt bài thi môn Lịch sử, trước hết, người học cần nắm vững cấu trúc đề thi. Theo đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, phần kiến thức lịch sử thế giới chiếm 30% và lịch sử Việt Nam là 70%. Trong đó, câu hỏi đánh giá mức độ “nhận biết” và “thông hiểu” của người học chiếm 60%, còn lại những câu hỏi mức độ “vận dụng” và “vận dụng cao” chiếm 40% nhằm đánh giá và phân loại thí sinh.
Khi học Lịch sử, rất nhiều học sinh khó khăn trong việc ghi nhớ và liệt kê các mốc thời gian, địa điểm, nguyên nhân, kết quả,… của từng sự kiện, phong trào, trận đánh hay chiến dịch lịch sử. Để khắc phục điều này, các em nên hệ thống hóa, khái quát hóa kiến thức bài học thông qua sơ đồ tư duy. Việc học Lịch sử qua sơ đồ tư duy vừa giúp các em nắm bắt và phân chia các sự kiện, nhân vật lịch sử với nhau vừa có thể bao quát được hình ảnh sơ đồ của bài học hoặc chủ đề kiến thức, từ đó sẽ giúp dễ nhớ, dễ thuộc bài hơn.
Chẳng hạn, khi học về các nước: Liên Xô, Mỹ, Nhật Bản…, chúng ta cần lập sơ đồ tư duy về nguyên nhân phát triển kinh tế của các nước này để thấy được nét tương đồng và khác biệt. Để hệ thống hóa bài học hoặc đơn vị kiến thức, người học cần xây dựng “từ khóa” của sơ đồ tư duy. Từ khóa này chính là các sự kiện, nhân vật hay giai đoạn lịch sử nào đó. Trong quá trình làm bài thi, học sinh cần đọc kỹ yêu cầu câu hỏi để tìm “từ khóa”, từ đó dễ dàng để lựa chọn phương án trả lời phù hợp với những kiến thức đã học. Đây được xem như cách giúp học sinh trả lời câu hỏi nhanh, không bị lạc đề hay nhầm kiến thức.
Trong những năm gần đây, kiến thức thi môn Lịch sử vẫn phần lớn nằm trong sách giáo khoa, trong đó chủ yếu là kiến thức lớp 12. Khi ôn luyện môn Lịch sử, thí sinh không nên sử dụng quá nhiều tài liệu ôn thi. Ngoài kiến thức cơ bản ở sách giáo khoa, học sinh có thể tự ôn luyện thêm các câu hỏi và các đề thi thử ở các sách ôn thi uy tín của Bộ GD-ĐT hoặc có thể tham khảo và làm các đề thi thử trên mạng Internet…
Các em cũng không nên học tủ, học vẹt khi ôn tập, bởi nội dung các sự kiện, các mốc thời gian rất dễ nhầm lẫn, đặc biệt là phần diễn biến. Nếu không nắm chắc kiến thức sẽ chọn sai đáp án. Chẳng hạn, thí sinh dễ nhầm lẫn giữa Chiến dịch Điện Biên Phủ với sự kiện "Điện Biên Phủ trên không" hoặc nhầm lẫn giữa nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ với Hiệp định Paris…
Những năm gần đây, đề thi thường có những câu hỏi liên quan đến thực tiễn, đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết về các vấn đề chính trị, xã hội để từ đó suy luận, lý giải, rút ra bài học…; do vậy các em nên chủ động cập nhật các tin tức thời sự có liên quan đến môn học đồng thời tham gia các hoạt động trải nghiệm lịch sử, tham quan bảo tàng, xem phim và tư liệu lịch sử để tích lũy thêm kiến thức.
Với việc thay đổi từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm khách quan, thí sinh sẽ không khỏi lúng túng do kiến thức nhiều, thời gian để trả lời câu hỏi bị rút ngắn. Vì thế, các em cần rèn luyện thao tác làm bài nhanh và hiệu quả, phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lý. Nếu câu nào vượt quá lượng thời gian quy định thì hãy để lại và chuyển sang câu khác, khi làm xong một lượt mới quay lại làm những câu chưa hoàn thành. Thí sinh vẫn nên tuân thủ nguyên tắc câu dễ làm trước, câu khó làm sau.
Hà Văn
Ý kiến bạn đọc