Multimedia Đọc Báo in

Khơi niềm đam mê đọc sách cho học sinh

08:43, 24/05/2019

Ở xã Cư A Mung (huyện Ea H'leo), giữa vùng núi xa xôi với điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn, các thầy cô giáo vẫn ngày ngày nỗ lực “gieo” niềm đam mê đọc sách cho học sinh bằng các mô hình thư viện độc đáo…

Sáng thứ ba, khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên, thay vì vui đùa chạy nhảy, các em học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (ở thôn 10B) lại tìm đến các tủ sách có hình dạng như “tổ chim” đặt giữa sân trường. Sau khi chọn được cuốn sách ưng ý, các em tập trung thành từng tốp say sưa đọc. Tìm hiểu mới biết, đây là mô hình Thư viện xanh được các thầy cô triển khai từ đầu năm học 2018-2019.

Cô Lê Thị Mỹ Diễm, nhân viên thư viện của trường cho biết, đây là mô hình thư viện bố trí các tủ sách dưới bóng cây xanh với tiêu chí “thân thiện, gần gũi với thiên nhiên”. Cứ ngoài giờ lên lớp, ngay trên sân trường, chỉ cần với tay là các em có thể chọn được những cuốn sách ưng ý để đọc tại chỗ. “Để các em không thấy nhàm chán, 2 lần/tuần chúng tôi sẽ thay đổi những đầu sách, truyện khác nhau. Riêng các sáng thứ ba và năm sẽ có hoạt động đọc sách theo chủ đề”, cô Diễm chia sẻ.

Mô hình Thư viện xanh giúp các em học sinh ở Trường Tiểu học Lê Đình Chinh đọc sách  một cách thuận tiện nhất.
Mô hình Thư viện xanh giúp các em học sinh ở Trường Tiểu học Lê Đình Chinh đọc sách một cách thuận tiện nhất.
 
“Hiện tại trường có khoảng 3.200 đầu sách, nội dung tương đối phong phú với các loại sách thiếu nhi, lịch sử, khoa học, truyện cổ tích, ngụ ngôn, gương người tốt việc tốt… Đặc biệt, vào dịp nghỉ hè, mô hình Thư viện xanh vẫn được nhà trường duy trì để học sinh đến đọc vào thứ 3 và thứ 5 hằng tuần…”.
 
Cô Lê Thị Mỹ Diễm, nhân viên thư viện Trường Tiểu học Lê Đình Chinh

Quan sát các em học sinh với làn da đen nhẻm đang chăm chú đọc sách, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Dường như các em đã dần coi sách như một người bạn hữu ích của mình. Em Phùng Long Bảo Nhi (học sinh lớp 2B) khoe: “Em thích đọc sách giữa sân trường vì không gian rất mát mẻ và gần gũi. Nhờ đọc nhiều sách, báo mà em có thể đọc chữ nhanh hơn, ít lỗi”. Còn em Hoàng Long Nhật (lớp 5B) lại thích thú kể: “Giờ ra chơi em thích nhất là đến thư viện tìm sách đọc để thư giãn sau giờ học căng thẳng. Em thích đọc nhất là cuốn truyện Thần đồng Đất Việt...".

Thầy Phạm Đình Kiệm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù cơ sở vật chất nhà trường còn khiêm tốn nhưng Ban Giám hiệu vẫn quan tâm xây dựng thử nghiệm thêm mô hình Thư viện thân thiện. Với mô hình này, thầy cô đã trang trí phòng học bằng những bức tranh, dòng chữ sinh động; có những tấm thảm xốp nhiều màu và bàn gỗ có kích thước vừa tầm cho học sinh ngồi. Xung quanh phòng là những giá sách nhỏ xinh chất đầy sách được sơn nhiều màu khác nhau; “Tiết đọc thư viện” cũng được triển khai 1 lớp/1 tuần/1 tiết…

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Cư A Mung) đọc sách vào giờ ra chơi.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Cư A Mung) đọc sách vào giờ ra chơi.

Để từng bước tạo thói quen đọc sách cho học sinh, từ kinh phí nhà trường và các nhà hảo tâm, các thầy cô đã xây dựng các mô hình như Thư viện xanh, Thư viện lưu động, Thư viện lớp, Thư viện thân thiện... "Sau một năm tổ chức, học sinh đều hào hứng tham gia các hoạt động đọc sách. Qua quan sát chúng tôi thấy các em mạnh dạn và có ý thức học tập tốt hơn, chất lượng học và giảng dạy được nâng lên rõ rệt” - thầy Kiệm phấn khởi cho biết thêm.

Thùy Duyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.