Multimedia Đọc Báo in

Kiên trì vận động học sinh vùng biên đến trường

09:08, 10/05/2019

Để ngăn chặn tình trạng học sinh ở xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) bỏ học giữa chừng, các trường học trên địa bàn và Đồn Biên phòng Sêrêpốk đã tích cực phối hợp, sử dụng nhiều biện pháp động viên, khích lệ các em gắn bó với trường lớp.

Trường Tiểu học Y Jút có 641 học sinh với một điểm chính và hai phân hiệu, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 84%. Thầy giáo Nguyễn Thành Khương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, do điều kiện kinh tế gia đình nên một số học sinh đến lớp không đều đặn. Các em nghỉ học để theo phụ huynh lên nương rẫy, có khi tới tận huyện Ea Súp và một số địa bàn lân cận rồi ở lại nhiều ngày.

Nắm rõ hoàn cảnh học sinh nên khi các em nghỉ học, Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường đã chủ động đến tận nơi thăm hỏi, tìm hiểu tình hình. Cùng với vận động học sinh ra lớp, nhà trường còn tạo điều kiện giúp đỡ các em về mặt vật chất lẫn tinh thần. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm luôn lắng nghe, đối xử ân cần, gần gũi giúp các em có thêm hứng thú đến trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ áo quần, sách vở, dụng cụ học tập; cùng chính quyền, địa phương, Bộ đội Biên phòng thường xuyên thăm hỏi, động viên học sinh, gia đình…

Cán bộ Đồn Biên phòng Sêrêpốk đến thăm, động viên học sinh được đỡ đầu trong chương trình  “Nâng bước em đến trường”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Sêrêpốk đến thăm, động viên học sinh được đỡ đầu trong chương trình “Nâng bước em đến trường”.

Tại Trường THCS Võ Thị Sáu, những năm gần đây tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm đáng kể. Trường THCS Võ Thị Sáu có 312 học sinh, trong đó có trên 80% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống khó khăn, phụ huynh lại chủ yếu làm nông, làm thuê, nhận thức còn hạn chế.

Cô giáo Phạm Thị Loan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có thời điểm, trường có tới 10 học sinh nghỉ học giữa chừng. Thông thường các em nghỉ học vào vụ mùa, sau hè và sau Tết. Có nhiều nguyên nhân như: do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn; các em lập gia đình sớm; bị hổng kiến thức, không theo kịp các bạn; lớn tuổi hơn nhiều so với bạn cùng lớp nên tự ti…, trong khi đó phụ huynh thiếu quan tâm, còn coi nhẹ việc học của con, cần có người phụ giúp việc nương rẫy.

Gần gũi học sinh nên ngay từ khi biết các em có ý định nghỉ học, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo nhà trường, đồng thời tâm tình, động viên các em tiếp tục đến trường. Đơn cử như trường hợp em Lê Thị Thu Thảo, mẹ em không có công việc ổn định, phải làm thuê sinh sống qua ngày. Nhà không có đất sản xuất, không có đất ở nên chỉ mượn tạm một khoảnh vườn nhỏ đủ dựng lều bạt che mưa nắng. Bố mẹ Thảo còn cưu mang thêm 3 người cháu khổ cực hơn mình. Hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo như vậy nên đang học lớp 9 với lực học rất tốt, Thảo vẫn có ý định bỏ học để phụ giúp bố mẹ. Biết được điều đó, nhà trường đã động viên em tiếp tục đến trường, đồng thời phối hợp với các cá nhân, đơn vị hỗ trợ học bổng, nhà ở, giúp cô học trò nhỏ tiếp tục việc học và đạt kết quả tốt …

Việc vận động học sinh tiếp tục bám con chữ không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi thực tế nhiều người dân khá thờ ơ với việc học. Dù đã chọn thời điểm buổi trưa hoặc tối, nhưng có trường hợp, giáo viên vẫn phải đến nhà nhiều lần, thậm chí lên tận nương rẫy để làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, học sinh hiểu được ý nghĩa của việc học. Với những em nghỉ học thường xuyên, nhà trường lập danh sách, phối hợp chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Sêrêpốk để cùng làm công tác vận động. 

Khi các em đã trở lại lớp, nhà trường tiếp tục giúp học sinh theo kịp bạn bè bằng cách: thường xuyên quan tâm, sẻ chia cùng học sinh; phân công bạn học tốt hơn kèm cặp, giúp đỡ; dạy phụ đạo miễn phí cho các em; tuyên dương, tặng thưởng cho những em tiến bộ trong học tập…

Các đơn vị phối hợp đến nhà, vận động học sinh bỏ học trở lại trường.
Các đơn vị phối hợp đến nhà, vận động học sinh bỏ học trở lại trường.

Bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên nhà trường thì sự chung tay của Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng góp phần tạo động lực để học sinh chăm chỉ học tập, nuôi dưỡng ước mơ. Ngoài phối hợp, đến tận nhà vận động học sinh trở lại trường, các chiến sĩ quân hàm xanh còn tặng thêm dụng cụ học tập, trang phục và cả kinh phí. Hưởng ứng chương trình “Nâng bước em đến trường”, hiện cán bộ, chiến sĩ lực lượng đang nhận đỡ đầu 42 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng/em. Trong đó, địa bàn xã Krông Na có 12 học sinh thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. 

Em Nguyễn Hoàng Thanh Huyền ở buôn Ea Mang là một trong những trường hợp được Bộ đội Biên phòng tỉnh đỡ đầu. Huyền là chị cả trong gia đình có hai người con. Bố mẹ Huyền sức khỏe yếu, hay đau ốm, không có công việc ổn định. Hoàn cảnh kinh tế khiến việc học của cô nữ sinh lớp 8 thêm phần khó khăn. Nhận đỡ đầu em, ngoài hỗ trợ hằng tháng, Đại tá Phạm Quang Hùng (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh) còn trực tiếp đến thăm, giúp gia đình sửa sang, xây mới thêm nhà bếp, công trình phụ. Huyền tâm tình: “Từ ngày nhận được sự giúp đỡ của các chú bộ đội, em thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong học tập. Em sẽ cố gắng thật nhiều để thực hiện ước mơ tương lai trở thành người chiến sĩ Biên phòng”.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.