Lớp sơn che chiếc cột mọt...
Con đạt danh hiệu học sinh giỏi mà nhiều phụ huynh chẳng những không mừng mà đâm… lo. Nghịch lý ấy đã diễn ra gần chục năm nay khi cứ đến thời điểm tổng kết năm học, những điểm 9, 10 nhiều như mưa, câu chuyện về học sinh giỏi đặc biệt là ở bậc tiểu học nhiều đến mức… “lạm phát” lại xôn xao.
Một lớp học gần 40 học sinh mà chỉ có hai em không đạt học sinh giỏi còn lại là giỏi tất thì quả cũng không bình thường thật. Và càng đáng lo hơn khi kiểm tra kiến thức thực chất, vẫn có những trường hợp học sinh học đến lớp 5 vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Dù biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nhiều người vẫn băn khoăn: trước đây học sinh giỏi đếm trên đầu ngón tay, chẳng lẽ bây giờ trẻ thông minh hơn thời ông bà cha mẹ đến mức… đột biến như vậy!?.
Ấy là chuyện trong ngành Giáo dục. Còn những lĩnh vực khác, dư luận cũng không khỏi ngạc nhiên khi lâu lâu người ta lại nghe vị cán bộ ngành nọ, lãnh đạo địa phương kia vướng phải vòng lao lý, trong khi trước đó họ từng được khen thưởng là cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Rồi cả những vụ doanh nghiệp làm ăn gian dối, vì lợi nhuận mà kinh doanh bất chấp cả sức khỏe, tính mạng của con người dù chủ của doanh nghiệp ấy cũng đã được tuyên dương, vinh danh nằm trong top doanh nhân tiêu biểu, đổi mới, sáng tạo.
Ảnh minh họa: Internet |
Trước những điều không bình thường ấy, câu hỏi về sự “ảo - thực; giả - thật” được đặt ra ở đây là hoàn toàn dễ hiểu. Có thể bắt mạch, gọi chung cho hiện tượng ấy là một biểu hiện của “bệnh thành tích”. Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm tạo tinh thần, khí thế, động lực phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất. Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua. Nhưng thực tế khi bằng mọi giá để đạt và được ghi nhận thành tích thì ý nghĩa của thi đua đã bị nhìn nhận méo mó rồi thực hiện một cách biến tướng. Những thành tích đạt lúc đó chỉ là “ảo” và danh hiệu thi đua khi ấy cũng chỉ “hão”.
Khi phát hiện sai phạm, không đơn giản chỉ là tước bỏ những danh hiệu thi đua. Điều đáng lo ngại là hậu quả mà nó đã, đang và sẽ ngấm ngầm để lại. Trong sản xuất hàng hóa, hàng giả, hàng nhái đã nguy hại khôn lường. Trong giáo dục, “bệnh thành tích” có thể sẽ cho ra đời những “con người giả” thiếu hụt về kiến thức, thậm chí khuyết tật về nhân cách. Những điểm số 9, 10 khi không phải thực chất sẽ tạo nên sự ngộ nhận về năng lực. Không sửng sốt sao được khi ở ngân hàng nọ, một nhân viên tín dụng làm việc mà không nắm được chuyên môn cơ bản, cấp trên liên tục phải nhắc nhở và anh ta đã thành thật khai rằng trước đây có học hành gì đâu, tất cả điểm học tập là do cha mẹ lo.
Chất lượng nguồn nhân lực nếu cũng chỉ được đánh giá trên những bảng thành tích thực chất là ảo ấy sẽ thật sự để lại nhiều hệ lụy, kéo theo đó cơ chế chính sách cũng sẽ được hoạch định và xây dựng dựa trên những căn cứ thiếu vững chắc. Ung nhọt của nhiều căn bệnh khác cũng nảy nở, phát sinh khi được che giấu, núp dưới vỏ bọc thành tích. Không chữa trị, phòng chống “bệnh thành tích” một cách quyết liệt, thi đua sẽ mất đi nhiều ý nghĩa và giá trị, chẳng khác nào là lớp sơn hào nhoáng che giấu những chiếc cột mọt…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc