Multimedia Đọc Báo in

Những điểm số đáng quý

06:45, 02/06/2019

Buổi họp phụ huynh cuối năm nay ở một lớp cuối cấp THCS diễn ra khá đặc biệt, khi phụ huynh không quan tâm nhiều tới bảng điểm các môn học của con như thông lệ.

Nguyên nhân một phần do tình hình học tập, điểm số của học sinh trong năm học đã được nhà trường thông báo cụ thể, chi tiết từng tháng qua sổ liên lạc điện tử. Bên cạnh đó còn là do phụ huynh không còn đặt nặng chuyện điểm số, mà quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề khác liên quan đến sự phát triển toàn diện của học sinh.

 Những điều mà phụ huynh quan tâm hết sức thiết thực, cụ thể, tác động trực tiếp đến việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt… của học sinh. Đơn cử, về cơ sở vật chất, là việc có phòng học rộng rãi, thoáng mát, có đủ chỗ vui chơi, luyện tập cho học sinh không; khu vệ sinh có sạch sẽ không, giữ gìn sạch sẽ bằng cách nào. Về chương trình học tập, có sự phân bổ hài hòa giữa các môn chính khóa và ngoại khóa không, nội dung ngoại khóa là gì, những nội dung nào cần chú trọng hơn. Về môi trường học đường, đã thực sự tạo sự gắn kết, thân thiện giữa mọi thành viên trong lớp, trong trường chưa, đã thực sự bảo đảm an toàn chưa. Về chăm sóc sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn ở trường thế nào, y tế học đường cần bổ sung những gì…

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Không chỉ lắng nghe báo cáo từ phía giáo viên, phụ huynh còn tìm câu trả lời bằng việc “mục sở thị” những vấn đề mình quan tâm. Khi xem clip trình chiếu về các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện thể chất, năng lực của học sinh, nhiều phụ huynh rất xúc động khi chứng kiến sự tiến bộ của con em mình, từ những hành động tưởng chừng rất đơn giản: Đứa trẻ vốn “gà công nghiệp” ở nhà đã biết… nhóm lửa, nấu cơm bằng bếp củi khi tham gia chương trình dã ngoại, thực hành kỹ năng sống; đứa trẻ ở nhà nhút nhát đã tự tin cầm mic giới thiệu về bản thân và… hát hẳn một bài trước đám đông khi tham gia nhóm thuyết trình ở lớp; đứa trẻ ở nhà hay “lười biếng” uể oải lại hào hứng lao theo quả bóng cùng các bạn trên sân tập…

Một phụ huynh chân tình tâm sự, những thay đổi đó dù ít dù nhiều đều đánh dấu sự tiến bộ của các con, chỉ cần con cố gắng, tiến bộ hơn chính mình ngày hôm qua là đã là điểm số đáng ghi nhận. Phụ huynh khác thì cho rằng, mỗi học sinh đều có thế mạnh của mình, nên cần chuyển mục tiêu từ “học giỏi” sang “học vui”, sao cho học sinh đến trường trong niềm vui bồi đắp kiến thức và các kỹ năng cần thiết là được. Niềm vui khi mỗi ngày được sống trong môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, được học và làm những gì đúng với sở trường, năng lực, đó mới là điểm số đáng quý nhất.

Có thể nói, đó là sự thay đổi tích cực trong tư duy, nhận thức về mục tiêu giáo dục, từ đó dẫn đến thay đổi tích cực về thực hành giáo dục. Mục tiêu đó không nằm ngoài nhiệm vụ mà ngành giáo dục đặt ra là nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và thực hiện tốt vệ sinh trường học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học sinh… nhưng nó đã được cụ thể hóa bằng những hoạt động phù hợp với thực tế lớp học nói chung cũng như với đặc điểm, khả năng, hoàn cảnh của mỗi học sinh nói riêng. Vì vậy, kết thúc năm học, cả lớp hầu như không học sinh nào có bảng điểm đều tăm tắp những số 9 số 10, rất ít học sinh đạt danh hiệu giỏi toàn diện. Vậy mà phụ huynh nói chung đều hài lòng, cho rằng đây là một năm học thành công, với những điểm số đáng quý cần được tiếp tục nhân lên.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.