Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng cho năm học mới

08:57, 22/08/2019

Ngày khai giảng đang đến rất gần. Ngành Giáo dục cùng với các địa phương trong tỉnh đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất để chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020...

Chỉnh trang, tu sửa cơ sở vật chất

Những ngày này, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Hoa Anh Đào (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đang tập trung dọn dẹp trường, lớp học để chuẩn bị cho năm học mới. Trong đợt mưa lũ vừa qua, Trường Mầm non Hoa Anh Đào bị nước ngập sâu gần 2 mét, tất cả đồ dùng học sinh, bàn ghế, tủ đựng hồ sơ bị hư hỏng nặng. Cô Nguyễn Thị Chiến, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cùng với sự quan tâm phối hợp của Đoàn Thanh niên, lực lượng Công an xã, nhà trường đã tổ chức tổng dọn vệ sinh; Trạm Y tế xã hỗ trợ phun thuốc, xịt tẩy để đảm bảo vệ sinh môi trường trong và xung quanh trường học không bị ô nhiễm. Với sự chủ động trên, đến thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả sau lũ và chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới đã hoàn tất.

Tại Trường Mầm non Hoa Pơ Lang (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn), sau nhiều năm mong đợi, niềm vui cũng đã đến với cô và trò nơi đây. Năm học này, nhà trường được huyện đầu tư gần 2 tỷ đồng xây 3 phòng học mới và tường rào bao quanh, nâng tổng số lớp học lên 12 lớp để đón hơn 260 học sinh. Cùng với đó, nhà trường còn tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên mua sắm thêm các trang thiết bị, đồ dùng học tập, sửa sang khuôn viên trường học phục vụ cho việc học tập, vui chơi của học sinh…

Phòng GD-ĐT huyện Lắk kiểm tra tiến độ sửa chữa Trường THCS Lê Lợi.
Phòng GD-ĐT huyện Lắk kiểm tra tiến độ sửa chữa Trường THCS Lê Lợi.

Cùng chung không khí khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới, tại huyện Lắk các trường học trên địa bàn huyện đang đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, xây mới một số phòng học, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các điểm trường vùng sâu, vùng xa để kịp mùa tựu trường. Năm học 2019 - 2020, Trường THCS Lê Lợi (xã Đắk Phơi) sửa chữa 6 phòng học, với kinh phí 500 triệu đồng từ nguồn vốn có mục tiêu năm 2019 của tỉnh. Còn tại Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Đắk Phơi) cũng đã được đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng sửa chữa 3 phòng học và xây dựng mới 2 phòng học.

Những ngày này, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cổng trường, tường rào; nâng cấp, sửa chữa 4 phòng học, 2 nhà vệ sinh và cải tạo 4 nhà công vụ để kịp đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2019 - 2020. Bên cạnh việc nâng cấp, sửa chữa phòng học, lớp học và các công trình phụ trợ, nhà trường còn mua sắm thêm 14 bộ bàn ghế, bảng chống lóa cho các lớp.

Năm học 2019 – 2020, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Cuôr Đăng) được UBND huyện Cư M’gar đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa về cơ sở vật chất với 25 hạng mục công trình. Đây cũng là trường THCS có mức đầu tư về cơ sở vật chất lớn nhất trên địa bàn huyện Cư M’gar trong năm học mới 2019 – 2020. Theo đó, nhà trường đã nâng cấp, sửa chữa nhà hiệu bộ, 18 phòng học, 2 nhà vệ sinh học sinh, nhà uống nước cho học sinh và giáo viên, tu sửa tường rào phía trước cổng trường và làm sân thể thao cho học sinh.

 

“Ngành GD-ĐT Đắk Lắk đang phối hợp cùng chính quyền các địa phương, ban ngành, đoàn thể dành mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư cho giáo dục; đồng thời tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra và đưa các công trình, hạng mục xây dựng, sửa chữa mới vào sử dụng, bổ sung trang thiết bị dạy học; đẩy mạnh công tác huy động học sinh đến trường… Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng chào đón năm học mới 2019 - 2020”.

 
 
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT

Huyện Cư M’gar hiện có 80 trường học từ Mầm non đến THCS; trong đó, có 23 trường Mầm non, 35 trường Tiểu học, 2 trường Tiểu học – THCS và 20 trường THCS. Ngay trong năm 2018, ngành Giáo dục huyện đã phối hợp với Phòng Tài chính huyện tiến hành rà soát hệ thống trường, lớp đã xuống cấp, cần sửa chữa, xây mới; kiểm tra các trang thiết bị giảng dạy… tham mưu cho UBND huyện bố trí kinh phí để kịp thời sửa chữa, mua sắm trước khi mùa mưa bắt đầu, trong đó ưu tiên những đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Các trường học trên địa bàn huyện đã được đầu tư hơn 21 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học. Trong quá trình thực hiện, các trường đã đẩy nhanh tiến độ thi công, đến nay cơ bản đảm bảo hoàn thành tiến độ các hạng mục cần đầu tư, nâng cấp, sẵn sàng cho năm học mới.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

Song song với đầu tư về cơ sở vật chất, công tác sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trước thềm năm học mới đã được các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Bảy, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng cho biết: “Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục huyện có 3.848 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Bên cạnh tập trung chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy học, huyện còn chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và bố trí, phân công giảng dạy đúng người, đúng việc”.

Thầy Mai  Văn Chinh, Hiệu trưởng Trường  Tiểu học Lý Tự Trọng  (bên phải) kiểm tra  bàn ghế  tại một  lớp học.
Thầy Mai Văn Chinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (bên phải) kiểm tra bàn ghế tại một lớp học.

Cũng như huyện Krông Năng, tại các địa phương khác, ngành GD-ĐT đã và đang tiến hành rà soát, đánh giá, quy hoạch, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý, sát với thực tế địa phương, đơn vị; điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2019 - 2020.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa, toàn tỉnh hiện có hơn 36.200 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (tính cả công lập, ngoài công lập, biên chế và hợp đồng). Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và chuẩn bị điều kiện cho thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chú trọng vào các nội dung: Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực của người học; các kỹ năng dạy học và giáo dục khác; tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh dân tộc thiểu số… Đến nay, 100% giáo viên tiểu học, THCS, THPT đều đạt chuẩn; 99,78% giáo viên mầm non đạt chuẩn; có 64% cán bộ quản lý, giáo viên đạt trên chuẩn…

Anh Hoàng  -  Thế  Trung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.