Multimedia Đọc Báo in

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019: Những thay đổi bất ngờ khiến thí sinh "thấp thỏm"

10:01, 23/08/2019

Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 đã kết thúc đợt 1 đối với hình thức xét tuyển căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhưng đã nhiều lần làm “đau tim” thí sinh và phụ huynh vì những thay đổi bất ngờ của các trường...

Theo Công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT năm 2019, chậm nhất đến hết ngày 22-7, các trường đại học phải công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để thí sinh có căn cứ điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và tất cả các trường đã thực hiện đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, dư luận xôn xao vì mức điểm sàn quá thấp của một số trường (Đại học Bạc Liêu, Đại học Phú Yên, Đại học Đồng Tháp, Đại học Nội vụ Hà Nội…), ở mức chỉ 12 - 13 điểm, tức là mỗi môn thi khoảng hơn 3 điểm là thí sinh đã có thể đỗ đại học. Sau khi Bộ GD-ĐT nhắc nhở về mức điểm sàn “phá đáy” này thì đến ngày 25-7, hàng loạt trường đã nâng điểm sàn lên 14 điểm.

Trong khi đó, cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 22 đến 17 giờ ngày 29-7, hệ thống cổng thông tin tuyển sinh của Bộ mở chức năng cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến và mỗi thí sinh chỉ được phép điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Buôn Ma Thuột trao đổi về bài thi các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.    Ảnh: L.Anh
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Buôn Ma Thuột trao đổi về bài thi các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: L.Anh

Việc các trường đại học điều chỉnh điểm sàn sau thời gian quy định là làm trái với quy chế tuyển sinh và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều thí sinh bởi nếu những thí sinh đạt 13 điểm đã thay đổi nguyện vọng vào các trường này, nay các trường nâng điểm sàn như thế tức là các em đã trượt nguyện vọng 1. Có lẽ ai cũng biết với những trường có mức điểm sàn thấp như thế thì đa phần điểm chuẩn và điểm sàn ngang nhau cho dù các trường có biện hộ rằng điểm sàn thấp chưa chắc điểm chuẩn đã thấp.

Việc nâng điểm sàn vừa mới xong thì ngày 26-7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) lại gửi văn bản đến 45 trường đại học trong cả nước đề nghị dừng tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo cao đẳng, trung cấp từ 1-7-2019. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lý do là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019 quy định trường đại học thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học gồm: trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong khi đó chỉ tiêu, ngành đào tạo, bậc đào tạo đã được các trường đại học công bố từ lâu và các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ cũng đã hoàn thành thủ tục. Việc thay đổi này khiến thêm một lần thí sinh và phụ huynh như ngồi trên đống lửa khi mọi thứ dường như “ván đã đóng thuyền”. Sự lo lắng của thí sinh kéo dài đến 3 ngày, cho đến tận 29-7, Vụ Pháp chế - thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) mới ký văn bản đồng ý để các trường đại học tiếp tục chủ động kế hoạch các ngành, nghề trình độ cao đẳng năm học 2019 - 2020 đã được cấp trong chứng nhận đăng ký giáo dục nghề nghiệp.

Cơn “đau tim” lần 3 của thí sinh và phụ huynh xuất hiện khi các trường Đại học Đồng Nai, Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh) bất ngờ nâng điểm chuẩn một số ngành cao vọt lên để… không ai trúng tuyển! Trong số các thí sinh rơi vào tình huống éo le này có em Nguyễn Minh Quân đạt 22,3 điểm nhưng vẫn trượt ngành Sư phạm Vật lý Trường Đại học Đồng Nai. Trong khi với số điểm đó, thí sinh này có thể đỗ vào ngành Sư phạm Vật lý của các trường như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Vinh... Chính Trường Đại học Đồng Nai, Hùng Vương đã thừa nhận việc nâng điểm chuẩn để không ai trúng tuyển này là vì số lượng thí sinh trúng tuyển quá thấp, không đủ để mở lớp!

Trong mấy năm gần đây, hầu như kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng nào cũng có những bất cập. Những tồn tại của kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 không hoàn toàn là vấn đề mới. Điều đó cho thấy cần có sự điều chỉnh, can thiệp của Bộ GD-ĐT để đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của thí sinh và các trường. Thực trạng một số trường phải nâng điểm vài ngành để... đánh trượt thí sinh hay một số trường dù điểm chuẩn đã "chạm đáy" vẫn không thể tuyển được thí sinh… đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải sớm điều chỉnh quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, nhất là các trường thuộc khối sư phạm. Bộ cũng cần có những biện pháp mạnh tay xử lý các trường vi phạm quy chế tuyển sinh, tránh tình trạng các trường thay đổi thông tin đột ngột đẩy thí sinh vào tình thế khó. Điều cần nhất của thí sinh và phụ huynh là một kỳ tuyển sinh công bằng, công khai và có tính ổn định tương đối.

Lại Thị Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.