Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Gia tăng tình trạng học sinh bỏ học đi lao động ngoại tỉnh

08:51, 28/09/2019

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Lắk gia tăng tình trạng học sinh, nhất là các em đang học ở bậc THCS, người dân tộc thiểu số, bỏ học đi lao động sớm. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hoặc kỳ nghỉ hè, số lượng học sinh các trường giảm hẳn bởi nhiều học sinh, nhất là các em lớp 8, lớp 9 lại bỏ học giữa chừng theo người thân hoặc bạn bè đến các thành phố lớn tìm việc làm.

Theo thống kê, sau thời điểm nghỉ hè hoặc nghỉ tết, số lượng học sinh khối lớp 8 và lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn huyện Lắk thường giảm từ 25 - 27 em, thậm chí 40 - 45 em. Đơn cử như Trường THCS Chu Văn An (xã Yang Tao) trong năm học 2015 – 2016 có 45 học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh bỏ học của trường ở mức 4 – 5%; năm học mới 2019 – 2020 này, sau kỳ nghỉ hè, trường có đến 30 học sinh bỏ học. Hay như Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Bông Krang) sau kỳ nghỉ hè vừa qua, bước vào năm học 2019 - 2020 đã có 23 học sinh tự ý nghỉ học đi làm xa ngoài tỉnh.

Một cơ sở sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh có sử dụng lao động trẻ em của Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)
Một cơ sở sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh có sử dụng lao động trẻ em của Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)

Đa số các em bỏ học để đi làm là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, một số em lười học hoặc học lực yếu nên chán nản, bỏ học. Điều đáng nói là do nhận thức hạn chế nên không ít gia đình cũng đồng tình cho con nghỉ học để đi làm. Bên cạnh đó, sau mỗi dịp Tết, nhu cầu tuyển dụng lao động nói chung và lao động phổ thông ở các tỉnh, thành phố phía Nam thường rất lớn; nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thông qua các công nhân của mình trở về quê ăn Tết để tuyển dụng học sinh đi làm nhằm tiết kiệm chi phí (bởi không phải đóng các loại bảo hiểm theo quy định của Luật Lao động)…

Hầu hết nơi các em học sinh đến làm việc chủ yếu là đơn vị tư nhân có điều kiện, thời gian làm việc không bảo đảm, tiền công rẻ mạt. Không ít trường hợp các em bị bóc lột sức lao động. Như em H’Phôn Du (học sinh lớp 9A Trường THCS Chu Văn An) cũng bỏ học để đi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Trong 4 tháng làm việc tại một công ty kinh doanh ngành hàng may mặc tại quận 12, H’Phôn đã phải làm việc những công việc rất nặng nhọc như bốc vác; thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại dùng để phun, xịt, tẩm màu quần áo… Không chịu nổi điều kiện làm việc tệ hại, H’Phôn Du đã bỏ việc, quay trở lại trường học.

Xuân Tiệp - Vy Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.