Multimedia Đọc Báo in

Những tín hiệu tích cực từ giáo dục mầm non tư thục

08:53, 20/09/2019

Thời gian qua, các trường mầm non tư thục trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột ngày càng phát triển về quy mô và số lượng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ em trên địa bàn.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột, năm học 2019 - 2020, toàn thành phố có 61 trường mầm non, trong đó 23 trường công lập và 38 trường mầm non tư thục. Thời gian qua, các cơ sở mầm non ngoài công lập không chỉ tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ chơi mà còn quan tâm đến chất lượng đội ngũ giáo viên, công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Không những vậy, các trường mầm non tư thục còn đang có xu hướng mở rộng quy mô trường lớp, khu sinh hoạt ngoài trời để giúp trẻ có thêm nhiều không gian vui chơi, trải nghiệm.

Một giờ học ở Trường Mầm non Kitty (TP. Buôn Ma Thuột).
Một giờ học ở Trường Mầm non Kitty (TP. Buôn Ma Thuột).

Điển hình như Trường Mầm non Kitty ở phường Tân Lợi, được đánh giá là trường mầm non tư thục được đầu tư bài bản nhất về cơ sở vật chất với tổng kinh phí 168 tỷ đồng trên quỹ đất rộng gần 8.000 m2. Trường có 20 phòng học được xây dựng rộng rãi, thoáng mát theo quy chuẩn hiện đại. Nhà trường còn xây dựng khu vui chơi hướng nghiệp cho trẻ như: phòng truyền hình, khu quân sự, phòng hóa trang, nhà hàng… Lựa chọn Trường Mầm non Kitty để nộp hồ sơ cho hai con, anh Nguyễn Văn Cường (phường Tân An) nói: “Tôi chọn Trường Mầm non Kitty để gửi con vì nhà trường nhận giữ trẻ thêm thứ bảy, giờ đưa đón trẻ cũng linh hoạt hơn trường công lập. Bên cạnh đó, tôi thấy học phí ở mức khoảng 2 triệu đồng/tháng cũng không cao so với quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có tay nghề, tâm huyết và môi trường học tập tốt cho các cháu”.

Giờ ra chơi của học sinh Trường Mầm non Hoa Sen.
Giờ ra chơi của học sinh Trường Mầm non Hoa Sen.
 

“Nhờ không ngừng đầu tư toàn diện, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ nên các trường mầm non tư thục ngày càng được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi con theo học”.

 

 
bà Mai Thị Hồng Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột

Tương tự, Trường Mầm non Hoa Sen (tổ dân phố 6, phường Tân An) của Công ty xây dựng Toàn Thắng và Công ty xây dựng Hà Nam cũng đã tạo được niềm tin của nhiều phụ huynh khi gửi con. Ngoài cơ sở vật chất khang trang và hiện đại, nhà trường còn áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến mang lại hiệu quả cao mà không tạo cho trẻ áp lực như: giáo dục tích hợp, phát triển tiềm năng đặc biệt của trẻ, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và trang bị kỹ năng sống giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Cô Châu Thị Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, hằng năm, nhà trường đều trích kinh phí tu sửa trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học bảo đảm theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thường xuyên cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn do các sở, ngành tổ chức để kịp thời áp dụng các phương pháp dạy học mới, nâng cao trình độ chuyên môn.

Theo bà Mai Thị Hồng Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột, việc khuyến khích đầu tư, phát triển các trường mầm non tư thục là chủ trương đúng đắn, không chỉ góp phần giảm tải áp lực tuyển sinh cho các trường công lập, tạo việc làm cho người lao động mà còn nâng cao chất lượng giáo dục, tăng sức cạnh trạnh giữa các trường. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết các trường mầm non tư thục trên địa bàn thành phố đều có cơ sở vật chất hiện đại, sạch sẽ, có bếp ăn bán trú bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đội ngũ giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, bảo đảm các tiêu chí về loại hình, quy mô, tiêu chuẩn theo quy định của ngành.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.