Multimedia Đọc Báo in

Khởi tạo niềm vui cho trẻ từ "menu cảm xúc"

08:41, 13/10/2019

Cho trẻ tự chọn cách chào hỏi theo cảm xúc và được cô giáo đáp lại bằng nụ cười cùng những hành động tương ứng đang được Trường Mầm non 10-3, TP. Buôn Ma Thuột áp dụng từ đầu năm học 2019-2020.

Theo đó, trước khi vào lớp và sau khi tan học, các bé sẽ tự mình lựa chọn một cách chào với giáo viên trong “menu hành động cảm xúc” dán ngay ở cửa lớp. Cụ thể, hình trái tim và vòng tay có nghĩa là ôm (hug), hình hai bàn tay nắm vào nhau nghĩa là bắt tay (handshake), hình hai bàn tay úp vào nhau nghĩa là vỗ tay yeah (high-five), hình hai bàn tay nắm lại chạm vào nhau nghĩa là chạm tay (Fist bump)...

Cô Bùi Thị Thúy Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp Chồi 4 thực hành chào đón bé theo sự lựa chọn của các bé trong menu hành động cảm xúc.
Cô Bùi Thị Thúy Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp Chồi 4 thực hành chào đón bé theo sự lựa chọn của các bé trong menu hành động cảm xúc.

Sự thay đổi trong cách thức chào đón bé ở trường đã nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Hoàng, phường Tân Thành tâm sự, sự mới lạ trong cách chào đón khiến chị rất thích và bản thân con trai của chị cũng hứng khởi hơn khi đến trường. Từ khi nhà trường triển khai chương trình này đến nay gần như ngày nào bé cũng chọn biểu tượng trái tim và vòng tay. Về nhà, con cũng chủ động chào hỏi, sà vào lòng mẹ, cùng tận hưởng cảm giác hạnh phúc. Một cái ôm, một cái bắt tay... có vẻ đơn giản nhưng nó có ý nghĩa lớn đối với cả bé và cha mẹ, tạo sự yên tâm, vui vẻ qua hành động cụ thể tràn đầy sự trìu mến, yêu thương.

Chào đón trẻ bằng “menu cảm xúc” là khởi tạo cho những hoạt động tiếp theo theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm trong một ngày học, một năm học.

Tương tự, chị Trần Thị Diễm, phường Tự An cho biết, năm học 2019-2020 là năm đầu tiên con chị đến trường nên chị đã chuẩn bị tâm lý rằng bé sẽ khóc trong những tuần đầu tiên. Tuy nhiên, với cách chào đón trẻ bằng menu cảm xúc đã giúp bé mạnh dạn hơn, khi đến lớp bé thường chọn bắt tay và ôm, khi về nhà cũng lặp lại như vậy với ba mẹ, rất thú vị.

Giờ ra chơi của các em nhỏ Trường Mầm non 10-3.
Giờ ra chơi của các em nhỏ Trường Mầm non 10-3.

Cô Bùi Thị Thúy Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp Chồi 4 tâm sự, cô đã gắn bó với nghề hơn 10 năm nay. Thời gian nghỉ hè khá dài nên mấy ngày đầu năm học nhiều bé vẫn mè nheo, không thích vào lớp, nhưng với cách chào đón mới này chỉ một thời gian ngắn tình trạng đó gần như không còn xảy ra nữa. Được chủ động lựa chọn cách tiếp xúc đầu tiên trong ngày với cô giáo ngay từ cửa lớp và được cô giáo đáp lại một cách thân thiện, vui vẻ thì các bé tự nhiên cũng sẽ trở nên vui vẻ, dạn dĩ, theo đó việc dạy dỗ, chăm sóc bé cũng trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn.

Năm học 2019-2020, Trường Mầm non 10-3 có 18 lớp, 3 khối với 680 học sinh. Việc chào đón trẻ bằng “menu cảm xúc” là một nội dung trong chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm được thực hiện trong năm học. Hiện tại, có rất nhiều cách hiểu về phương pháp dạy trẻ lấy trẻ làm trung tâm nhưng khái niệm được nhiều người đồng tình nhất là người lớn phải tôn trọng những cái riêng của trẻ.

Cô Trần Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 10-3, người đề xuất cách chào đón trẻ bằng hành động cho biết, nhiều trẻ có sở thích giống nhau nhưng mỗi trẻ có một tính cách, sở trường riêng khác nhau. Nhà trường luôn tin tưởng rằng trẻ sẽ tiến bộ từng ngày nếu được khơi gợi, phát huy những thế mạnh của mình nên tạo môi trường giúp bé thỏa sức tư duy, sáng tạo. Tại lớp, các giáo viên sẽ chủ động xây dựng các nội dung mang tính mở trong khuôn khổ như: tạo lập các góc hoạt động mang tính mở, khuyến khích trẻ lựa chọn, trải nghiệm và hoạt động theo nhiều cách khác nhau; trang trí lớp học thân thiện bằng các sản phẩm bé tạo ra trong quá trình học như tranh vẽ, tranh tô màu, đồ chơi…

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc