Nhọc nhằn đưa con chữ đến vùng sâu
Với phương châm “Rèn thầy trước, luyện trò sau”, những năm qua, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Cư San, huyện M'Đrắk) đã nỗ lực vượt khó, đưa con chữ đến với các em học sinh vùng sâu, vùng xa.
Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân được thành lập năm 2008, nằm biệt lập trong bản Hmông thuộc thôn 11, xã Cư San, cách trung tâm xã 12 km, cách trung tâm huyện M’Đrắk gần 40 km. Để đến trường dạy học, các thầy cô giáo phải vượt qua những quãng đường đất đồi núi, khúc khuỷu. Thậm chí vào mùa mưa các thầy cô phải khiêng xe máy lên vai để vượt qua những quãng đường đất bùn lầy, nhão nhoẹt. Có những năm mưa lũ kéo dài, các tuyến đường vào trường đều “tê liệt”, để vào được trường thầy cô giáo phải xách giày dép đi bộ hơn 5 giờ bằng đường vòng trèo đèo, lội qua con suối thôn 9 bằng chiếc bè mảng.
Cô Quản Thị Thanh Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân bộc bạch: Nhà trường hiện có 27 cán bộ, nhân viên và giáo viên đứng lớp, phần lớn đều từ trung tâm huyện vào giảng dạy nên thường ở lại trường đến cuối tuần mới về. Cuộc sống xa gia đình, đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn song bằng tình yêu thương học trò nơi vùng sâu nhiều thiệt thòi, các thầy cô giáo vẫn động viên nhau nỗ lực bám trường, bám lớp, dạy chữ cho các em.
Vào mùa mưa, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân phải đẩy xe, đi bộ đến trường. |
Không chỉ cách trở về giao thông, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân còn đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi những năm gần đây khu vực trường nằm trong diện tích quy hoạch Hồ thủy lợi Krông Pắc Thượng nên không được đầu tư thêm cơ sở vật chất. Trường hiện có 3/9 phòng học tạm bợ; khu tập thể và nhà làm việc phải tận dụng lại cơ sở của điểm trạm y tế xã trước đây nay đã xuống cấp, không có tường rào bao quanh; trang thiết bị dạy học vô cùng thiếu thốn.
Năm học 2018 - 2019: 100% học sinh nhà trường hoàn thành chương trình Tiểu học 31,7% học sinh được khen thưởng cuối năm. |
Năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân có 453 học sinh; trong đó, 85% học sinh thuộc diện hộ nghèo, 99,5% học sinh là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Hmông. Vì vậy, đa số học sinh nói tiếng Kinh chưa thạo, nhất là học sinh đầu cấp nên việc giao tiếp, truyền thụ kiến thức rất vất vả. Cách duy nhất để tập đọc, tập viết cho các em là tranh thủ thời gian ngoài giờ lên lớp, các thầy cô giáo phải dạy thêm, nhắc đi nhắc lại nhiều lần để các em nhớ và thuộc mặt chữ.
Bên cạnh đó, những năm đầu mới thành lập, trường luôn đối mặt với tình trạng học sinh nghỉ học, hoặc nhập học muộn sau mỗi mùa vụ thu hoạch. Phụ huynh chưa xem trọng việc học hành của con em, thậm chí có cha mẹ còn muốn con bỏ học hẳn để ở nhà giúp mẹ chăm em, đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Trước tình hình đó, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân đã yêu cầu giáo viên chú trọng duy trì sĩ số, nắm chắc từng trường hợp học sinh có nguy cơ bỏ học cao, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn để có biện pháp động viên, ngăn chặn kịp thời. Các thầy cô giáo thường xuyên chia làm nhiều nhóm, phối hợp với ban tự quản các thôn đến tận từng nhà để vận động những học sinh bỏ học đến lớp. Hằng năm vào dịp khai giảng năm học mới, tập thể giáo viên nhà trường lại quyên góp mua áo, tặng quà hỗ trợ các em học sinh.
Giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân đi thuyền qua suối để đến trường. |
Bằng những cách làm như vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn. Trong năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân đã duy trì sĩ số học sinh ra lớp đạt tỷ lệ 97,9%; tỷ lệ học sinh đúng tuổi vào lớp 1 đạt 96,6%. Nhiều năm liền, công tác dạy học và xây dựng phong trào, hoạt động của trường luôn đạt kết quả cao. Nhà trường còn đoạt giải Nhất toàn đoàn trong cuộc thi Giai điệu Tuổi hồng, giải Khuyến khích Hội thi giao lưu Tiếng Việt cấp huyện. Đội ngũ giáo viên nhà trường có 100% đạt chuẩn trở lên, trong đó, 86% giáo viên dạy giỏi các cấp; đạt 3 đề tài sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện (1 giải A, 2 giải C). Nhiều năm liền, Chi bộ nhà trường đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; các tổ chức đoàn thể đạt vững mạnh xuất sắc...
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc