Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ lớp học xóa mù chữ ở buôn Cuah

08:31, 13/10/2019

Gần 3 tháng qua, cứ tối đến, người dân buôn Cuah và buôn Tơ Lơ (xã Ea Na, huyện Krông Ana) lại rủ nhau bồng bế con cái, tấp nập kéo về Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng buôn Cuah chong đèn lên học chữ.

Đó là lớp học xóa mù chữ do Huyện Đoàn Krông Ana phối hợp cùng Đoàn xã Ea Na tổ chức nhằm giúp bà con biết đọc, biết viết để khỏi phải điểm chỉ khi đi vay vốn ngân hàng, ký nhận tiền hỗ trợ. Ngay khi mở, lớp học đã thu hút 55 học viên đăng ký tham gia. Các học viên là người dân tộc thiểu số từ 12 đến 65 tuổi. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bà con nơi đây ít có điều kiện đến trường, hằng ngày chỉ quanh quẩn bên nương rẫy.

Bà H’Nưt Ênuôl năm nay đã 62 tuổi, là thành viên rất siêng năng của lớp học. Bà tâm sự, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ đến giờ bà chưa bao giờ được đến lớp. Ngày xưa, nhìn một số bạn bè đồng trang lứa được cắp sách đến trường, bà đã ao ước một lần có thể đi học, có thể viết chữ vào cuốn vở trắng, nhưng không được. Vậy nên, khi biết tin ở buôn Cuah mở lớp dạy chữ miễn phí, dù đã ở cái tuổi xế chiều nhưng bà rất hào hứng và đăng ký đi học.

Các học viên lớp học xóa mù chữ ở buôn Cuah.
Các học viên lớp học xóa mù chữ ở buôn Cuah.

Các học viên đều là những lao động chính trong gia đình, nhiều hôm đi rẫy về muộn, họ đến lớp khi chưa kịp ăn cơm, có người địu con theo để học, nhiều gia đình vì con quá nhỏ nên đành để một người đi học còn một người ở nhà trông con. Như anh Y Jim Byă (39 tuổi), là học viên nam duy nhất của lớp nhưng rất chăm chỉ và là “học sinh giỏi” của lớp. Anh cho biết: "Ngày trước mình cũng được đi học nhưng đến lớp 2 là phải nghỉ, lâu dần lo làm nương rẫy rồi cái chữ cũng quên đi. Lên xã làm giấy tờ gì thì phải điểm chỉ hoặc nhờ người viết hộ, nông sản bán được bao nhiêu tiền cũng không tính rõ được. Khi có lớp học mở, mình cùng vợ rất phấn khởi và đã đăng ký tham gia học". Cứ sau một ngày tất bật trên nương rẫy, vợ chồng anh Y Jim lại mang hai đứa con nhỏ gửi nhờ bà ngoại trông hộ rồi dắt nhau đến lớp. Cũng theo anh, bà ngoại rất muốn được tham gia lớp học, nhưng vì thương cháu nên đành ở nhà giữ cháu, đợi đến khi anh chị đi học về thì dạy chữ lại cho bà.

Ngày cuối cùng kết thúc lớp học, niềm vui ngập tràn ánh lên trong mắt các mẹ, các chị, mọi người tự tin viết tên của mình, đọc to, rõ những câu trên tờ báo mới. Và ai cũng lưu luyến, đi theo “cô giáo” để xin tiếp tục được đi học.

Để có thể tổ chức thành công lớp học phải kể đến đội ngũ giáo viên phụ trách đứng lớp. Đó là những đoàn viên, thanh niên của xã Ea Na, mà người phụ trách đứng lớp chính là chị Hòa Thị Hằng (Bí thư Đoàn xã Ea Na). Dù bận công việc, gia đình, nhưng hằng tối, chị đều chăm chỉ đến dạy, không bỏ buổi nào. Chị Hằng chia sẻ, bà con ở đây rất háo hức với lớp học và chuyên cần đến lớp. Nhiều hôm trời mưa to nhưng mọi người vẫn mặc áo mưa, soi đèn dắt nhau đi học đúng giờ.

Các mẹ, các chị nắn nót tập viết từng con chữ.
Các mẹ, các chị nắn nót tập viết từng con chữ.

Ai cũng ham học, có hôm đến 21 giờ rồi mà mọi người vẫn chưa muốn về. Nhằm giúp các học viên có đầy đủ dụng cụ để học tập, Huyện Đoàn Krông Ana, UBND xã Ea Na cùng Đoàn xã Ea Na cũng đã hỗ trợ vở trắng, sách, bút, bảng, phấn, cặp… cho các học viên. Bên cạnh được dạy học miễn phí, được sự quan tâm của Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Krông Ana, 55 học viên buôn Cuah và buôn Tơ Lơ tham gia lớp học ngoài việc được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 1 còn được hỗ trợ mỗi người 100 nghìn đồng.

Sau gần 3 tháng tham gia lớp học, các học viên đều đã biết đọc, biết viết và làm những phép toán đơn giản. Tại lễ tổng kết, UBND xã Ea Na đã tặng Giấy khen cho 10 học viên có thành tích học tập xuất sắc, Đoàn xã Ea Na tặng hơn 1.000 bộ quần áo cũ và phát thêm vở trắng, bút, bảng chữ cái, bảng cửu chương cho các học viên giúp mọi người có thể tự ôn tập tại nhà để không quên kiến thức. Bên cạnh đó, một mạnh thường quân trên địa bàn xã đã tặng 10 suất quà (gồm gạo, mì tôm), trị giá mỗi suất là 150 nghìn đồng cho 10 học viên có hoàn cảnh khó khăn nhất của lớp học.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.