Multimedia Đọc Báo in

Liệu có công bằng?

09:21, 10/11/2019

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự). Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là tên gọi văn bằng tốt nghiệp trình độ đại học chỉ gọi chung là cử nhân, bỏ xếp loại (khá, giỏi, trung bình) cũng như bỏ phân loại hình thức chính quy hay tại chức.

Thông tư này sẽ thay thế các Thông tư số 23/2009/TT-BGDĐT, Thông tư số 24/2009/TT-BGDĐT, Thông tư số 19/2011/TT-BGDĐT, Thông tư số 20/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về ban hành mẫu bằng tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ, đại học và tiến sĩ danh dự. Đây cũng là dự thảo thông tư hướng dẫn cụ thể một số nội dung của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2018, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

Theo quy định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, loại hình đào tạo chính quy là tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là không tập trung. Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp.

Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo dù được thực hiện theo loại hình nào cũng đều phải đảm bảo chất lượng như nhau. Theo đó, văn bằng hệ đào tạo đại học chính quy so với các hệ đào tạo tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa... cũng đều có giá trị như nhau. Những điều chỉnh trong Luật Giáo dục đại học 2018 sẽ tạo điều kiện cho sinh viên dù theo học các hình thức đào tạo khác nhau thì khi tốt nghiệp đại học vẫn được công nhận văn bằng như nhau, có cơ hội ngang nhau trong tuyển dụng, xin việc.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trong khi đó, hiện tại theo Thông tư số 19/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp đại học, người tốt nghiệp sẽ được phân biệt về xếp loại bằng tốt nghiệp theo các mức gồm: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình. Đồng thời, bằng tốt nghiệp đại học cũng phân biệt rõ ràng hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn.

Thiết nghĩ, tuy Luật Giáo dục đại học 2018 được xây dựng dựa trên nền tảng phát triển giáo dục của các nước trên thế giới nhưng cần xét theo hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam bởi vì thực tế chất lượng đào tạo đại học hệ chính quy và các hệ đào tạo khác hiện chưa hoàn toàn tương đương nhau. Chất lượng thí sinh đầu vào của hệ chính quy và các hệ khác có sự khác nhau rõ nét. Nhiều sinh viên học hệ đào tạo tại chức, từ xa, liên thông ý thức học tập kém hơn so với sinh viên đại học hệ chính quy. Cả người dạy lẫn người học đều đang “ngầm” đánh giá kết quả học tập của loại hình không chính quy theo quan điểm: tại chức nên chỉ thế thôi, làm sao đòi hỏi như chính quy được. Kể cả chuẩn đầu ra về tiếng Anh của sinh viên đại học hệ vừa học vừa làm cũng chỉ ở mức A2, trong khi đó đối với hệ chính quy là B1 hoặc các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL.

Vì vậy, khi chất lượng đào tạo đại học của hệ chính quy và không chính quy chưa ngang bằng nhau; việc tuyển dụng của nhiều cơ quan,  đơn vị còn chủ yếu căn cứ vào bằng cấp thì việc bằng tốt nghiệp đại học thiếu thông tin về loại hình đào tạo, loại tốt nghiệp rõ ràng làm cho người học thiếu động lực phấn đấu vì giỏi hay trung bình thì bằng tốt nghiệp cũng giống nhau.

Nếu dự thảo nói trên được thông qua, thiết nghĩ yêu cầu cấp bách nhất là các trường đại học phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn việc đào tạo và đánh giá sinh viên của các hệ đào tạo khác nhau để đảm bảo sự công bằng cho mọi sinh viên. Mặt khác, các đơn vị tuyển dụng phải căn cứ vào năng lực thực tế của ứng viên thay vì bằng cấp mà ứng viên có như hiện nay.

Lại Thị Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.