Multimedia Đọc Báo in

Người mê chế tạo cơ khí

14:12, 25/11/2019

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Đặng Tải (ở khối 5, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) thi đỗ vào ngành Sư phạm Toán, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.

Thế nhưng, sau khi ra trường, ông Tải lại quyết định rẽ sang ngả khác, làm công việc không liên quan đến chuyên môn đã học. Ông xin vào làm công nhân Nhà máy Xay xát, chế biến lương thực Krông Bông rồi bươn chải nhiều nghề khác như: sản xuất gạch ngói, thợ mộc, sửa chữa máy xay xát…

Dành dụm được ít vốn, ông đầu tư mua sắm máy móc mở xưởng cơ khí vừa mưu sinh vừa để thỏa ước mơ của mình là chế tạo cơ khí. Ông Tải đã nghiên cứu chế tạo hàng chục sản phẩm phục vụ thiết thực cho sản xuất được ứng dụng vào thực tiễn và khách hàng đánh giá cao như: cải tiến máy bơm nước công suất cao, chế tạo máy cắt lát sắn, dụng cụ đào sắn…

Gần đây ông đã chế tạo thành công máy sàng lọc tận dụng than củi đốt, một sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu cho các cơ sở sản xuất dùng lò đốt.

Không làm nghề giáo trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng ông Tải đã trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ toàn bộ kinh phí, phương tiện cho nhiều sinh viên, học sinh nghiên cứu khoa học.

Nhờ sự hỗ trợ của ông, nhiều em đã thực hiện thành công những đề tài khoa học và đồ án tốt nghiệp như: Máy đập bột ly tâm (năm 1999 của sinh viên Trần Hữu Thạnh, Đại học Bách khoa Đà Nẵng); máy in nhãn bút bi (năm 2000 của sinh viên Đặng Khánh Toàn, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)…

Ông Đặng Tải (đứng giữa) hướng dẫn học viên về những bộ phận quan trọng khi sử dụng  máy cày.
Ông Đặng Tải (đứng giữa) hướng dẫn học viên về những bộ phận quan trọng khi sử dụng máy cày.

Năm 2017, được các thầy bộ môn ở trường hướng dẫn thiết kế chế tạo máy ép gạch lót nền từ chất thải túi ni lông trộn với bột trấu nhưng em Phạm Mạnh Đình (dân tộc Nùng, học sinh lớp 12 Trường THPT Krông Bông) lại không có điều kiện thực hiện do hoàn cảnh khó khăn, cũng chưa biết sử dụng các loại máy móc.

Qua giới thiệu của mọi người, Đình đã mạnh dạn đến cơ sở của ông Tải nhờ giúp đỡ. Nhận thấy đây là một ý tưởng hay, thân thiện với môi trường nên ông đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, đồng thời hướng dẫn em thực hành; nhiều công đoạn khó ông còn giúp Đình tính toán lại cho chính xác thông số kỹ thuật và trực tiếp thao tác để em làm theo.

Sản phẩm máy ép gạch lót nền của em Phạm Mạnh Đình đã đoạt giải Ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2017 do Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức.

Ông Đặng Tải hướng dẫn học viên công đoạn cắt thép làm bánh phao xuống ruộng.
Ông Đặng Tải hướng dẫn học viên công đoạn cắt thép làm bánh phao xuống ruộng.

Với lòng nhiệt huyết, sẵn sàng gác bỏ việc riêng, tận tình hướng dẫn như một người thầy nên cơ sở của ông Tải ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều học sinh, sinh viên đến thực tập. Hai người con trai của ông cũng tiếp bước con đường của cha: Đặng Nhật Vũ hiện là kỹ sư chế tạo máy ngành cơ động học, đang làm việc tại Nhật Bản và Đặng Nhật Trường là kỹ sư cơ điện tử làm việc tại Hàn Quốc.

Ông Đặng Tải cũng được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Krông Bông suốt 10 năm liền (2009 – 2019) và được các cấp tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.