Multimedia Đọc Báo in

Gieo chữ giữa trùng dương

14:06, 25/11/2019

Giữa mênh mông sóng nước Trường Sa, mặc dù điều kiện còn nhiều gian khó nhưng những giáo viên trẻ vẫn hằng ngày miệt mài gieo từng con chữ cho học trò thân thương.

Hiện nay, trên một số đảo nổi ở quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) có dân sinh sống đều có trường học dành cho các em nhỏ. Trong hành trình đến với Trường Sa, tôi may mắn được đến tham quan Trường Tiểu học Sinh Tồn (xã đảo Sinh Tồn), nơi có hai thầy giáo đến từ tỉnh Khánh Hòa đang đảm nhận công tác giảng dạy là thầy Nguyễn Công Qua (SN 1994, quê ở huyện Diên Khánh) và thầy Phạm Xuân Dịu (SN 1993, quê ở thị xã Ninh Hòa). Cả hai đều viết đơn tình nguyện ra Trường Sa công tác và chưa ai lập gia đình.

Thầy giáo Nguyễn Công Qua đón học sinh vào lớp học.
Thầy giáo Nguyễn Công Qua đón học sinh vào lớp học.

Thầy Qua có 3 năm dạy học tại một trường tiểu học ở TP. Nha Trang nhưng khi có thông tin tuyển dụng giáo viên ra Trường Sa đã viết đơn tình nguyện. Sau khi trúng tuyển, thầy được điều động đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Sinh Tồn, đảm nhiệm dạy 5 em học sinh từ bậc mầm non đến tiểu học. Những ngày đầu tiên ra đảo, cuộc sống với môi trường thời tiết mới cộng với nỗi nhớ nhà khiến thầy bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, được sự động viên của những người lính đảo, được gặp gỡ các em nhỏ hồn nhiên, yêu đời, thầy đã nhanh chóng bắt nhịp với nếp sống trên đảo. Một ngày của thầy cũng bắt đầu bằng hiệu lệnh báo thức buổi sáng của bộ đội trên đảo, buổi chiều sau giờ dạy học lại cùng mọi người tham gia trồng rau, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống.

Thầy Qua tâm sự: “Việc giảng dạy cho học sinh hiểu bài trong một lớp học có nhiều lứa tuổi khác nhau mà không được làm ảnh hưởng đến các em khác cũng là một việc khó trong thời gian đầu. Sau khi tiếp xúc với các em, chúng tôi nhận ra một điều đó là phải biết dung hòa các học sinh mầm non đang trong độ tuổi vui chơi, ăn ngủ với các học sinh tiểu học cần sự tập trung để học tập. So với trong đất liền, điều kiện học tập ở đảo xa còn nhiều thiếu thốn, sự va chạm của các em với đời sống xã hội không được nhiều, vì vậy, chúng tôi cố gắng truyền đạt kiến thức cho các em dễ hiểu nhất bằng cách sử dụng nhiều tranh ảnh minh họa cho bài giảng. Điều khiến chúng tôi hạnh phúc nhất, đó là các em học sinh nơi đây rất ngoan ngoãn, lễ phép và chăm chỉ học tập”.

 
 “Tôi được biết ở Trường Sa có những lớp học đặc biệt, với những học trò đáng yêu, hồn nhiên, vì vậy, tôi mong muốn được đặt chân lên đảo để gieo chữ, truyền đạt kiến thức, bồi đắp tình yêu biển, đảo quê hương cho các em nhỏ; đồng thời cống hiến sức trẻ, góp sức cùng những người lính bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
 
Thầy giáo trẻ Nguyễn Công Qua

Thầy giáo Phạm Xuân Dịu cũng từng có 3 năm dạy học ở TP. Nha Trang trước khi viết đơn tình nguyện ra Trường Sa công tác. Hiện nay, dù công tác ở nơi “đầu sóng ngọn gió” nhiều khó khăn, vất vả hơn so với trong đất liền song thầy Dịu cho rằng, cái quý nhất ở đảo xa đó là tình cảm thầy - trò, quân - dân. Những ngày lễ như 20-11 hoặc ngày Tết, các thầy đều được phụ huynh và những người lính hải quân trao tặng những bông hoa dại mọc trên đảo hoặc tổ chức liên hoan bằng những bữa cơm giản dị nhưng đầm ấm. Thầy Dịu tâm sự: “Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được cán bộ, chiến sĩ trên đảo chia sẻ, họ rất biết ơn tấm lòng các thầy giáo bởi vì mỗi lần đi ngang qua lớp học, được nghe thấy tiếng ê a học bài của các em là họ đều cảm thấy vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ con và có thêm động lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”.

Theo Thượng tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh vùng IV Hải quân) kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, hiện nay, các trẻ trên đảo đến tuổi đều được đi học theo quy định của Nhà nước, được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và thầy giáo trên đảo chăm sóc, dạy bảo và dành nhiều tình cảm yêu mến. Vào các ngày lễ của trẻ em hoặc lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, các em đều được tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tặng quà. Hằng năm, các đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo cũng đều dành tình cảm, tặng các em những phần quà ý nghĩa. Nhờ được chăm sóc chu đáo nên tất cả trẻ em trên các đảo phát triển khỏe mạnh. Hầu hết những trẻ khi học xong chương trình tiểu học đều được đưa về đất liền để tiếp tục học chương trình cấp hai”.

Một tiết học của các em học sinh  tiểu học  trên đảo  Sinh Tồn.
Một tiết học của các em học sinh tiểu học trên đảo Sinh Tồn.

Trong điều kiện còn khó khăn ở đảo xa, thế nhưng hai thầy giáo trẻ vẫn cố gắng tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, từ đó tổ chức giảng dạy dưới nhiều hình thức để học sinh dễ tiếp cận với các kiến thức mới. Ngoài ra, các thầy còn thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa, giao lưu, vui chơi cùng các em. Mỗi năm, hai thầy giáo chỉ được nghỉ phép về thăm nhà trong thời thời gian ngắn khi học sinh nghỉ hè hoặc dịp Tết. Khó khăn là vậy, nhưng vì tình yêu trẻ, các thầy giáo trẻ đã vượt qua trở ngại để gắn bó ngày càng khăng khít với mảnh đất, con người vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thế Hùng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.