Multimedia Đọc Báo in

Truyền đi những câu chuyện đẹp

09:07, 18/11/2019

Với tình yêu nghề, nhiều nhà giáo trẻ đã vượt hoàn cảnh khó khăn riêng để bám trụ với trường lớp; có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách dạy học nhằm truyền lửa đam mê cho học sinh.

Vượt qua nỗi đau bệnh tật

Bị mắc bệnh từ cuối năm 2017, thường xuyên phải đi TP. Hồ Chí Minh để điều trị nhưng nụ cười luôn thường trực trên gương mặt cô giáo Bùi Thị Dự (SN 1989, dân tộc Thái), Trường Mầm non Sơn Ca (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn).

Năm 2012, cô Dự về dạy ở Trường Mầm non Hoa Mai (xã Cuôr Knia). Năm 2014, cô chuyển về dạy Trường Mầm non Sơn Ca. Cũng trong năm này, cô Dự kết hôn, song niềm vui không trọn vẹn, hai lần mang thai đều thất bại khiến tinh thần của cô sa sút. Sau nhiều lần thăm khám tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, bác sĩ kết luận cô Dự mắc căn bệnh u nang tuyến vú phải điều trị tích cực để các u nang không chuyển biến thành u ác tính.

Từ đó, cứ hai tháng cô Dự lại đi TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra, điều trị sinh thiết và chọc thoát dịch, đó cũng là lúc cô Dự phải cắn răng chịu đựng những cơn đau thấu tận tâm can. Không muốn sức khỏe của mình ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ, đầu năm học 2018 - 2019 cô Dự xin chuyển từ giáo viên chủ nhiệm lớp lá xuống lớp chồi, bởi trẻ học lớp lá cần phải chuẩn bị kiến thức để vững vàng vào lớp một.

Cô giáo Bùi Thị Dự (Trường Mầm non Sơn Ca) và các em học sinh.
Cô giáo Bùi Thị Dự (Trường Mầm non Sơn Ca) và các em học sinh.

Trong lúc ốm đau, một nỗi đau tinh thần khác lại ập đến, khi chồng cô Dự bỏ đi và mang theo một số tiền lớn vay mượn từ người thân. Cô Dự tâm sự: “Thương bố mẹ, tôi không dám cho ông bà biết về căn bệnh của mình. Tôi hoang mang không biết cuộc sống của mình sẽ như thế nào? Thế nhưng, trong quá trình điều trị bệnh, Ban Giám hiệu, đồng nghiệp trong trường, đặc biệt là niềm đam mê đứng lớp đã giúp tôi có niềm tin, nghị lực để chiến thắng bệnh tật".

Sức khỏe dần hồi phục, cô Dự lại hăng say đứng lớp, tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, luôn hoàn thành tốt vai trò của mình.

“Sứ giả” truyền cảm hứng

“Tâm huyết, trách nhiệm, mẫu mực và hiệu quả” là nhận xét của đồng nghiệp về cô giáo Bùi Thị Liên (SN 1983), giáo viên tiếng Anh Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar).

Hơn 13 năm đứng trên bục giảng, tiên phong áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới, với cô Liên là sự trải nghiệm nhiều khó khăn nhưng cũng đầy niềm vui, tự hào. Cô Liên chia sẻ: “Điều khiến tôi hạnh phúc hơn cả chính là được cùng các đồng nghiệp truyền lửa đam mê, giúp học sinh thật sự yêu thích, tự tin khám phá môn học, thành thạo ngoại ngữ”.

Cô giáo  Bùi Thị Liên (bên trái)  tại Hội thảo  và Triển lãm Quốc tế  về giảng dạy tiếng Anh. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Cô giáo Bùi Thị Liên (bên trái) tại Hội thảo và Triển lãm Quốc tế về giảng dạy tiếng Anh. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Năm 2017, từ nguyện vọng của một nhóm học sinh mong muốn có một “địa chỉ” để rèn luyện, thực hành kỹ năng tiếng Anh, câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh Trường THPT Ngô Gia Tự do cô Liên khởi xướng được thành lập vào đầu năm học 2017 - 2018. Đến nay, CLB thu hút 68 học sinh thuộc các khối lớp tham gia sinh hoạt một buổi/tuần theo chủ đề bám sát bài học trên lớp.

Em Phạm Thị Lệ Quỳnh, học sinh lớp 11B8 phấn khởi: “Cô Liên định hướng nội dung sinh hoạt bảo đảm chất lượng và ý nghĩa. Cô còn dành thời gian hướng dẫn, khuyến khích các bạn trò chuyện, diễn thuyết về một chủ đề bằng tiếng Anh. Nhờ vậy, nhiều bạn bớt rụt rè, tự tin khi giao tiếp với bạn bè quốc tế thông qua kết nối skype hay các diễn đàn giáo dục…”.

Để học sinh vượt qua rào cản tâm lý trong việc học tiếng Anh, cô Liên vừa là người truyền cảm hứng, nhưng cũng là người bạn biết lắng nghe, giải đáp các vướng mắc, giúp các em không còn cảm giác sợ hãi, nhàm chán với môn học.

Nhờ không ngừng trau dồi kiến thức, tiếp cận phương pháp giảng dạy mới, cô Liên vinh dự là một trong 10 giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam được tham dự Hội thảo và triển lãm Quốc tế về giảng dạy tiếng Anh tại Mỹ với tư cách diễn giả; hiện cô đang là thành viên của Cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft toàn cầu.

Từ nền tảng này, đầu tháng 11 vừa qua, cô Liên là cầu nối đưa sự kiện “Kết nối học tập toàn cầu” trong 48 giờ thông qua ứng dụng Internet đến với Trường THPT Ngô Gia Tự.

Có duyên với các giải thưởng

Công tác tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Du từ năm 2005, thầy giáo Lê Quang Nhân (SN 1983) đã được Ban Giám hiệu Trường THPT Chuyên Nguyễn Du tin tưởng, phân công giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn Tin học.

Thầy Nhân cho hay: “Là môn học tự chọn, nên các em học sinh cấp 2 và phụ huynh chưa có định hướng tương lai khi theo đuổi môn học này. Chính vì vậy, ngày đầu tiên nhận lớp, tôi đưa ra những dẫn chứng về cơ hội việc làm trong tương lai, kết nối những học sinh giỏi các khóa trước để động viên, truyền cảm hứng cho các em khóa sau”.

Thầy Lê Quang Nhân trong một tiết dạy lý thuyết môn Tin học.
Thầy Lê Quang Nhân trong một tiết dạy lý thuyết môn Tin học.

Một tấm gương vượt khó học tốt thường xuyên được thầy Nhân nhắc đến là em Hồ Xuân Vương (huyện Krông Búk) hiện đang thực tập tại Singapore. Vài năm trước em Vương đỗ vào lớp chuyên Tin của trường, gia cảnh khó khăn nên em không có máy tính để học tập. Thầy Nhân mạnh dạn đề xuất Ban Giám hiệu nhà trường cho em Vương mượn máy tính của trường về phòng trọ luyện tập. Nhờ sự kèm cặp, hỗ trợ kịp thời của thầy Nhân nên năm lớp 12 em Vương đoạt giải Ba quốc gia môn Tin học, được tuyển thẳng vào đại học. Từ những câu chuyện "người thật việc thật" của học trò, đến những ông chủ lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thầy Nhân đã truyền lửa đam mê chủ động tìm tòi, học hỏi, nỗ lực hơn của học sinh. "Và chỉ khi học sinh yêu thích, đam mê môn Tin học thì những bài giảng của thầy mới thực sự mang lại hiệu quả", thầy Nhân quả quyết.

Bản thân thầy Nhân luôn tự tìm đọc các tài liệu trong và ngoài nước nhằm trau dồi chuyên môn, có thêm kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Nghiên cứu và xây dựng một số chuyên đề nâng cao môn Tin học giúp học sinh đội tuyển dự thi học sinh giỏi các cấp ôn luyện hiệu quả. Trong 14 năm giảng dạy, thầy Nhân đã bồi dưỡng thành công 29 học sinh giỏi quốc gia môn Tin học, một em lọt vào vòng thi Olympic châu Á – Thái Bình Dương.

Với những thành tích đã đạt được, 7 năm liền thầy Nhân luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; từ năm 2015 đến nay liên tục được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia; vinh dự là 1 trong 2 giáo viên tiêu biểu, xuất sắc của tỉnh Đắk Lắk tham dự Lễ “Tri ân, tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu năm 2019” tại thủ đô Hà Nội.

Hoàng Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.