Tự hào các ngôi trường mang tên nhân vật lịch sử
Nhiều ngôi trường THPT trên địa bàn tỉnh được mang tên nhân vật lịch sử nhằm thể hiện sự tri ân, ghi nhớ công ơn to lớn của cha ông. Trong chặng đường hình thành, phát triển, các thế hệ thầy cô giáo và học trò các trường này đã khắc phục khó khăn, vững bước đi lên, góp phần làm rạng rỡ nền giáo dục tỉnh nhà.
Trường THPT Trần Nhân Tông
Được thành lập năm 1999, đến tháng 2-2010, Trường THPT bán công Ea Kar (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) chuyển sang mô hình công lập và vinh dự được mang tên Trần Nhân Tông.
Ngày đầu thành lập, trường chỉ có 15 cán bộ, giáo viên, nhân viên và hơn 300 học sinh học trong các phòng học cấp bốn, phòng tạm thưng gỗ, mái tôn. Sân trường được tận dụng từ sân phơi cà phê của nông trường đã hư hỏng, xuống cấp. Thầy trò nhà trường phải vừa dạy học, vừa lao động cải tạo cảnh quan. Là ngôi trường duy nhất trên địa bàn huyện theo mô hình bán công, nên chất lượng tuyển sinh đầu vào luôn thấp so với các trường THPT trong huyện.
Niềm vui của thầy cô giáo và các em học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông trong lễ tri ân. |
Nhận thức rõ khó khăn, thử thách, nhà trường đã động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên học hỏi, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy... Đến nay, không ít thầy cô giáo đã trở thành giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số trường trong tỉnh. Nhiều thầy cô giáo đã dồn tâm huyết trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi, phụ đạo học sinh trung bình yếu. 20 năm qua, trường đã có 79 em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa, 75 giải trong hội thi quốc phòng - an ninh, 152 huy chương môn thể dục và 30 huy chương Olympic 10-3. Đặc biệt có 6 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia các môn Ngữ văn, Lịch sử và Vật lý. Trải qua 17 kỳ thi, trường có trên 4.000 học sinh tốt nghiệp THPT, tiếp tục học lên đại học, cao đẳng nghề, tham gia quân ngũ hoặc trở về lập nghiệp tại địa phương. Nhiều học sinh đã trở thành nhà giáo, doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ, cán bộ chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, thợ lành nghề, nông dân giỏi.
Năm học 2019 - 2020 nhà trường có 83 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó có 12 thạc sĩ, hai học viên cao học và 64 cử nhân), gần 1.000 học sinh. Cơ sở vật chất của trường đầy đủ, khang trang hơn. Nhà trường đang nỗ lực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 và các năm học tiếp theo.
Trường THPT Lê Hữu Trác
Thành lập ngày 20-9-1999, ban đầu Trường THPT Lê Hữu Trác (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) chỉ có 7 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 612 học sinh, lớp học phải mượn cơ sở. Đến nay, trường có 4 dãy phòng kiên cố, 45 phòng học, 2 phòng thực hành tin học, 1 phòng thư viện, 4 phòng tổ chuyên môn, 1 dãy nhà hiệu bộ, 2 phòng thực hành thí nghiệm và một nhà đa chức năng. Khuôn viên trường được che phủ cây xanh quanh năm mát mẻ, tạo một môi trường trong lành cho hoạt động dạy và học.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Lê Hữu Trác có một đội ngũ sư phạm tuổi đời đang vào độ chín. Trong tổng số 107 cán bộ, giáo viên, nhân viên có 97 giáo viên đạt chuẩn, 15 giáo viên có trình độ thạc sĩ, 25 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Đại diện lãnh đạo huyện Cư M'gar trao Chứng nhận Tập thể lao động tiên tiến cho Trường THPT Lê Hữu Trác. |
Buổi đầu thành lập chỉ có 16 lớp học, với 612 học sinh, hiện nay sĩ số nhà trường ổn định từ 1.600 em trở lên, chia thành 40 lớp. Bên cạnh chất lượng giáo dục đại trà ngày một phát triển, Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm đến chất lượng giáo dục mũi nhọn. Kết quả có 5 em đoạt giải học sinh giỏi và Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (4 giải Khuyến khích, 1 giải Nhì); khoảng 300 học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 và Sáng tạo khoa học kỹ thuật; 150 học sinh giỏi thông tin lớp 10, 11 và Olympic 10-3. Trong 20 năm qua, nhà trường đã đào tạo hơn một vạn học sinh tốt nghiệp THPT, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương và đất nước.
Trường THPT Phạm Văn Đồng
Từ 2009 về trước, để học THPT con em 3 xã Dray Sap, Ea Na, Ea Bông phải vượt quãng đường dài, khó khăn tới trung tâm huyện Krông Ana học tập. Nhiều em không vượt qua được khó khăn trên đã phải dang dở việc học hành. Nhận thấy sự cần thiết phải khắc phục khó khăn đó, ngày 10-7-2009, UBND tỉnh thành lập Trường THPT Phạm Văn Đồng (ở thôn Tân Tiến, xã Ea Na).
Trường THPT Phạm Văn Đồng được đầu tư xây dựng khang trang. |
Năm học đầu tiên, trường có 24 thầy cô giáo, nhân viên và 424 học sinh, 11 lớp. Đến nay, trường có 54 cán bộ, giáo viên, nhân viên; duy trì từ 19 - 20 lớp học với khoảng 800 học sinh. Những năm đầu, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng tối thiểu nhu cầu dạy - học, với 2 dãy 18 phòng vừa học, vừa làm việc của toàn trường, chưa có các phòng chức năng, phòng bộ môn, nhà xe. Sau 10 năm xây dựng và phát triển, trường trở thành một trong những trường THPT có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ với khuôn viên xanh - sạch - đẹp. Trường có 3 dãy phòng học với 24 phòng đáp ứng nhu cầu dạy học 1 buổi, có 2 phòng tin học, 2 phòng máy chiếu, dãy phòng thí nghiệm - thiết bị thực hành Lý - Hóa - Sinh, phòng thư viện đạt chuẩn; hội trường đa năng, bố trí 3 sân cầu lông, khu thể chất với đường chạy bê tông đạt chuẩn, sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng rổ, hố nhảy, sân bóng chuyền…, dãy nhà hiệu bộ, nhà công vụ đáp ứng tốt hoạt động giáo dục của nhà trường.
Chất lượng dạy học của nhà trường không ngừng nâng cao qua từng năm học; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao hơn mặt bằng chung toàn tỉnh, nhiều năm vượt tỷ lệ trung bình chung toàn quốc; nổi trội là năm học 2016 - 2017 đạt tỷ lệ 100%. Qua từng năm học, trường đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận về thi học sinh giỏi tỉnh, các hội thi, cuộc thi về văn hóa, văn nghệ - thể thao của học sinh và cán bộ giáo viên.
Nguyễn Thị Toán - Trần Thương - Nguyễn Hữu Luật
Ý kiến bạn đọc