Multimedia Đọc Báo in

Những sáng tạo hữu ích của học sinh

09:29, 09/01/2020

Xuất phát từ thực tế cùng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh đã chế tạo ra những mô hình, sản phẩm độc đáo, hữu ích cho cuộc sống.

Hiện nay việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như: cốc, dĩa, thìa, hộp xốp... đang trở thành thói quen của người dân bởi tính tiện lợi và giá thành rẻ. Tuy nhiên, mặt trái của sự tiện dụng ấy chính là những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Trước thực trạng trên, hai em Đỗ Thị Đình Nguyên và Võ Đức Dũng (lớp 10, Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt) đã nảy ra ý tưởng sản xuất vật dụng ăn uống có khả năng phân hủy sau một thời gian sử dụng và an toàn đối với sức khỏe của con người. Qua nhiều lần thử nghiệm, Nguyên và Dũng quyết định chọn hạt bơ và gạo để sản xuất thìa, dĩa dùng một lần. Sau 240 ngày, các vật dụng này sẽ phân hủy sinh học, hấp thụ lại vào đất nên rất thân thiện với môi trường.

Cô Lê Thị Hoàng Phương, giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, tôi luôn khuyến khích các em vận dụng kiến thức vào thực tiễn, quan sát, phân tích môi trường xung quanh để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Từ đó sẽ kích thích niềm hứng thú, đam mê tìm tòi, nghiên cứu của học sinh ”.

Em Đỗ Thị Đình Nguyên và Võ Đức Dũng  thuyết minh đề tài  “Sản xuất thìa, dĩa  dùng một lần từ hạt bơ  và gạo”.
Em Đỗ Thị Đình Nguyên và Võ Đức Dũng thuyết minh đề tài “Sản xuất thìa, dĩa dùng một lần từ hạt bơ và gạo”.
 
“Những sản phẩm khoa học kỹ thuật của học sinh không chỉ thể hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học, khả năng sáng tạo của các em mà còn tạo nền tảng, kiến thức, kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh trong tương lai để từ đó cho ra đời những sản phẩm hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.
 
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp

Trong lĩnh vực phần mềm hệ thống, em Nguyễn Văn Cao Kỳ học sinh Trường THPT Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã thực hiện dự án “Thiết kế và xây dựng web Ani-test Lab giúp ôn luyện trắc nghiệm trực tuyến”.

Từ những kiến thức học được trên ghế nhà trường và tích cực mày mò, nghiên cứu thông tin trên các tài liệu, Cao Kỳ đã vận dụng phương thức hoạt động của Website để thiết kế, xây dựng phần mềm ứng dụng, giúp học sinh tự học ở nhà có sự giám sát, hỗ trợ của giáo viên; tiết kiệm thời gian đi lại, giảm chi phí học tập; tăng thời gian luyện tập và tự đánh giá năng lực bản thân... Trong đó, ưu điểm vượt trội nhất của dự án này là cho phép một trang web khi sử dụng trên nhiều thiết bị khác nhau vẫn giữ nguyên giao diện ban đầu, không bị ảnh hưởng về khả năng sử dụng.

Cao Kỳ tự hào khoe: “Qua quá trình tìm hiểu, xây dựng ý tưởng và tiến hành nghiên cứu cụ thể, đến nay dự án của em đã giải quyết được hầu hết những mục tiêu đề ra ban đầu. Bên cạnh đó, sản phẩm còn được nhiều học sinh và giáo viên trong trường sử dụng cho việc ôn tập, kiểm tra học kỳ”.

Em Nguyễn Văn Cao Kỳ và thầy giáo hướng dẫn thảo luận cải tiến sản phẩm.
Em Nguyễn Văn Cao Kỳ và thầy giáo hướng dẫn thảo luận cải tiến sản phẩm.

Nhờ gần gũi, bám sát thực tiễn cuộc sống và có tính khả thi nên Dự án “Sản xuất thìa, dĩa dùng một lần từ hạt bơ và gạo” của Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt và Dự án “Thiết kế và xây dựng web Ani-test Lab giúp ôn luyện trắc nghiệm trực tuyến” của Trường THPT Trần Phú là 2 trong 9 sản phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2019 – 2020 và được Ban tổ chức lựa chọn tham dự Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia tổ chức tại TP. Đà Nẵng vào cuối tháng 2-2020.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.