Multimedia Đọc Báo in

Trường Đại học Tây Nguyên: Đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp

09:25, 06/01/2020

Niềm đam mê, sáng tạo của tuổi trẻ cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà trường đã giúp những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, mới mẻ của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên được hiện thực hóa, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị thực tiễn cao.

Sau gần một năm đi tu nghiệp ở Israel theo chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Tây Nguyên và Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Ramat Negev, năm 2018 Trần Đăng Hưng (sinh viên lớp Lâm sinh K13, khoa Nông lâm) trở về nước và được nhiều công ty, doanh nghiệp ngỏ ý mời làm việc với mức lương ổn định. Tuy nhiên, Hưng vẫn quyết định về trường hoàn thành chương trình học và hiện thực hóa những kế hoạch khởi nghiệp đã ấp ủ bấy lâu.

Trần Đăng Hưng (bên trái) hướng dẫn sinh viên kỹ thuật trồng dưa lưới.
Trần Đăng Hưng (bên trái) hướng dẫn sinh viên kỹ thuật trồng dưa lưới.

Được sự giúp đỡ của một giảng viên, Hưng được Trường Đại học Tây Nguyên cho mượn nhà màng trong khuôn viên trường để thực hiện mô hình trồng dưa lưới với mục đích giúp sinh viên khoa Nông lâm được trải nghiệm thực tế, tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ. Qua trồng thử nghiệm 15 giống dưa lưới khác nhau trong môi trường kiểm soát nghiêm ngặt về nước, nhiệt độ và dinh dưỡng, Hưng đã chọn lựa được giống, quy trình và giá thể phù hợp để trồng dưa lưới Earl’s Red của Hàn Quốc. Đây là giống dưa có vị ngọt thanh, mùi thơm, phát triển tốt và cho năng suất cao khi trồng trong nhà màng.

 

“Để sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp sau khi ra trường, nhà trường đặt mục tiêu mỗi năm sẽ hỗ trợ ít nhất 5 ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có tính khả thi cao. Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ kinh phí từ 10 – 15 triệu đồng để sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học”.

 
 
Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên Bùi Ngọc Tân

Vườn dưa của Hưng áp dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, Hưng đang chuẩn bị thu hoạch vụ dưa lưới Earl’s Red đầu tiên để phục vụ cho thị trường Tết. Hưng dự tính: Với diện tích 2.000 m2, vụ thu hoạch sắp tới sản lượng sẽ đạt hơn 3 tấn quả, trọng lượng khoảng 1,5 kg/quả. Với giá bán 50.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí, Hưng “bỏ túi” gần 40 triệu đồng. Từ khu vườn mẫu cùng sự chỉ dẫn nhiệt tình của Hưng, nhiều sinh viên đã tiếp cận được kỹ thuật, phương pháp trồng rau quả an toàn và thành công với các loại cây trồng như: cà chua, dâu tây, rau xanh…

Bị lôi cuốn bởi hương vị khó quên, màu sắc sinh động của những chiếc bánh bông lan, Nguyễn Anh Quốc (sinh viên lớp Kinh tế Nông nghiệp K15) đã tìm tòi, học hỏi cách làm bánh. Nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người thân, bạn bè, Quốc càng có thêm động lực nghiên cứu các phương pháp làm bánh mới. Quốc tâm sự: “Làm bánh yêu cầu phải rất tỉ mỉ, chỉ cần sai một bước là cả chiếc bánh phải bỏ đi. Để nghiên cứu, tìm ra công thức riêng, em không nhớ đã "ép" gia đình ăn bao nhiêu bánh hỏng. Tuy nhiên, càng khó khăn em càng quyết tâm hơn”.

Nguyễn Anh Quốc trang trí bánh bông lan trứng muối.
Nguyễn Anh Quốc trang trí bánh bông lan trứng muối.

Sau nhiều lần thất bại, tay nghề của Quốc đã tiến bộ rõ rệt và tự tin đưa sản phẩm đến với mọi người. Do chưa có nhiều vốn và bận rộn với việc học tập ở trường nên Quốc quyết định bán bánh online trên mạng. Các sản phẩm của em làm khá đa dạng như: bánh kem sinh nhật, bông lan trứng muối, su kem… Trung bình mỗi ngày, Quốc cho ra lò hơn 20 lượt bánh nóng hổi. Những ngày cao điểm, gia đình Quốc phải đi giao hàng trăm đơn hàng cho khách đặt qua trang facebook Quốc Nguyễn. Mỗi sản phẩm có giá từ 80.000 - 200.000 đồng tùy thuộc vào loại nhân và kích cỡ. Được sự động viên, hỗ trợ của nhà trường, Quốc đã mạnh dạn tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của tỉnh năm 2018, sản phẩm bánh gato mặn của em nằm trong top 30 dự án tiềm năng tại cuộc thi.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.