Multimedia Đọc Báo in

Khi trường nghề và doanh nghiệp kết nối đào tạo

10:14, 14/02/2020

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, ngay khi tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề của các đơn vị sử dụng lao động, những năm gần đây Trường Trung cấp Đắk Lắk đã thay đổi cách tiếp cận về đào tạo nghề, phối hợp đào tạo lao động mà doanh nghiệp (DN), xã hội cần.

Hai khoa Kế toán - Tài chính và Công nghệ - Kỹ thuật của nhà trường đi đầu kết nối với DN trong đào tạo. “Nếu như trước đây, hình thức kết nối chủ yếu là nhà trường đưa học sinh đến DN thực tập, thì hiện nay nhiều DN đã tham gia xây dựng, bổ sung, phát triển chương trình, giáo trình của một số chuyên ngành, từ đó giúp cập nhật chương trình đào tạo sát với thực tế và ngày càng hoàn thiện hơn”, Thạc sĩ  Lê Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đắk Lắk cho biết.

Học sinh ngành Công nghệ, Trường Trung cấp Đắk Lắk thực hành nghề.
Học sinh ngành Công nghệ, Trường Trung cấp Đắk Lắk thực hành nghề.

Để việc kết nối đạt hiệu quả cao, từng khoa và DN cùng ký hợp đồng ghi nhớ về hỗ trợ đào tạo, thực tập, đánh giá và quản lý học sinh, tạo việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp.

Học sinh Lê Tú Bình, lớp K9 KT2 vừa kết thúc 2 tháng thực tập tại Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột). Đây là khoảng thời gian quý báu, Bình được trải nghiệm thực tế tại một DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

“Học sinh ngành Kế toán – Tài chính ngoài có đủ kiến thức về kế toán, khả năng lập, trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, biết phân tích tài chính, phân tích hiệu quả sản xuất cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đòi hỏi phải có đức tính chăm chỉ, cẩn thận, năng động, sáng tạo, ngăn nắp, gọn gàng; đặc biệt chịu được áp lực công việc cao… Những phẩm chất này, không phải thông qua các môn học ở trường  mà có được, đòi hỏi phải có sự trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế. Việc liên kết với DN đã tạo được môi trường mới trong học tập, giúp chúng em có định hướng và say mê với nghề nghiệp đã lựa chọn”, em Bình cho hay.

Học sinh Trường Trung cấp Đắk Lắk thực tập tại doanh nghiệp.
Học sinh Trường Trung cấp Đắk Lắk thực tập tại doanh nghiệp.

Trao đổi về những thay đổi cách tiếp cận đào tạo nghề, thạc sĩ Lê Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: “Việc liên kết với DN trong đào tạo là hướng đi mới, mang tính thực tiễn cao, thông qua những phản hồi từ học sinh sau khi các em từ DN trở về. Quá trình bổ sung, phát triển chương trình đào tạo, nhà trường xác định được khối lượng kiến thức gắn liền với thực tiễn công việc, điều nay chỉ có được thông qua nhu cầu thực tế của DN”. Bên cạnh đó, các DN tuyển dụng lao động là học sinh tốt nghiệp đã khẳng định chất lượng đào tạo, là kênh giới thiệu, tuyển sinh tốt nhất. Chưa hết, thông qua việc liên kết với DN giúp nhà trường năng động và linh hoạt hơn trong định hướng phát triển ngành nghề trong từng giai đoạn. Qua tiếp cận thực tiễn tại DN, còn giúp cho giáo viên của nhà trường tiếp cận với cái mới, từ những điều “mắt thấy tại nghe” những giờ giảng trở nên sinh động, hấp dẫn với học sinh hơn.

 
“Sự kết nối giữa trường nghề và DN sẽ chặt hơn khi DN đặt hàng đào tạo, góp ý cho nhà trường về chương trình đào tạo, có thể phối hợp tăng cường cơ sở vật chất, giúp đội ngũ giáo viên được tiếp cận quy trình hoạt động của DN, ý kiến phản hồi từ DN  về các đợt thực tập, kiến tập về kỹ năng, kỷ luật lao động của học sinh”.
 
Thạc sĩ Lê Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đắk Lắk

Điều này được minh chứng rõ hơn khi liên kết với các DN trong đào tạo đã giúp các khoa của nhà trường thuận lợi trong việc cung cấp các phần mềm quản lý bán hàng, phần mềm kế toán cũng như hỗ trợ và chuyển giao công nghệ. Hiện nay, Khoa Kế toán - Tài chính đang phối hợp với Công ty Cổ phần Misa tại Buôn Ma Thuột hỗ trợ học sinh học tập thông qua việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực: quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự, quản lý và kế toán. Còn Khoa  Công nghệ - Kỹ thuật phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần đào tạo và phát triển Công nghệ Đất Việt Đắk Lắk. Việc liên kết này đã hỗ trợ học sinh và giáo viên tự học tập, rèn luyện, thực hành và nâng cao tay nghề.

Quá trình đào tạo gắn kết với thực tiễn tại các DN là một trong những yếu tố gắn liền với uy tín và thế mạnh của nhà trường. Đó cũng chính là biện pháp đẩy mạnh hợp tác chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng đáp ứng nhu cầu chung của nhà trường và của cả DN. Nhờ sự “bắt tay” giữa DN và nhà trường trong đào tạo mà 100% học sinh của hai khoa Kế toán – Tài chính và Công nghệ - Kỹ thuật đều có việc làm sau khi tốt nghiệp. Song việc liên kết này vẫn còn không ít khó khăn. Đa số DN trên địa bàn Đắk Lắk có quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về số lượng học sinh đến thực tập, ảnh hưởng tinh thần làm việc theo đội, nhóm của học sinh. Và một đợt đi học tập kinh nghiệm hoặc thực tập, học sinh chỉ chuyên sâu được ít lĩnh vực.

Thanh Nguyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.