Mùa… "nghỉ dịch" của học sinh vùng sâu
Được nghỉ học dài ngày do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh các xã vùng sâu của huyện Krông Bông là Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao chủ yếu dành thời gian lao động giúp gia đình và giải trí bằng các trò chơi vận động; việc tự học ở nhà hoặc triển khai dạy học trực tuyến ở các địa phương này rất khó khăn.
Nghỉ học đúng vào thời điểm các xã vùng sâu vào mùa thu hoạch sắn và ngô lai nên nhiều học sinh theo cha mẹ lên rẫy hoặc chăn giữ trâu bò, chăm em cho bố mẹ. Như em Sùng Văn Hai (Trường THCS Cư Pui), em Thào Văn Thành (Trường Tiểu học Ea Bar) theo bố mẹ lên rẫy nhổ sắn, bẻ ngô lai, lấy củi; em Y Quyết Êban (Trường THCS Yang Mao) ngày hai buổi đi chăn bò; hay em Y Lin Niê (Trường Tiểu học Cư Drăm) thì giúp bố mẹ quét dọn nhà cửa, rửa bát… Em H’Ne Hlong (Trường THCS Yang Mao) cũng ngày hai buổi chăn trâu giúp bố mẹ. H’Ne tâm sự: “Nghỉ học lâu em thấy nhớ trường, nhớ bạn lắm, cũng sợ quên kiến thức nữa nhưng nhà em không có ti vi, không có mạng Internet nên cũng không học trực tuyến được”.
Em Y Quyết Êban (bìa phải) ở buôn Kiều, xã Yang Mao giúp bố đóng bịch ươm cà phê. |
Nhiều trẻ em ở các thôn, buôn tự tổ chức các hoạt động vui chơi theo nhóm như bóng đá, bóng chuyền hoặc tổ chức các trò chơi truyền thống ở nhà. Song, đáng lo ngại là thời điểm nghỉ tránh dịch đúng vào mùa khô, trời nắng nóng nên nhiều em nhỏ tham gia các trò chơi rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn thương tích như: tắm suối; giăng lưới bắt cá ở ao, hồ hay trèo cây bắt chim, hái quả...
Việc ôn bài ở nhà trong những ngày nghỉ tránh dịch của các em học sinh vùng sâu rất khó khăn. Thầy Hồ Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Yang Mao lo lắng, các nhà mạng VNPT và Viettel Đắk Lắk cũng đã hỗ trợ nhà trường phần mềm để triển khai dạy học trực tuyến nhưng trường không thực hiện được bởi học sinh phần lớn là người dân tộc M’nông, Êđê, hoàn cảnh rất khó khăn, hầu hết các gia đình không kết nối mạng Internet.
Em Thào Văn Thành (bìa trái) dân tộc Hmông, học sinh lớp 4A Trường Tiểu học Ea Bar, xã Cư Pui ôn bài ở nhà. |
Hiện nay nhà trường chỉ thực hiện việc bồi dưỡng cho 2 đội học sinh giỏi gồm khoảng 10 em qua tin nhắn nhóm Zalo để hướng dẫn các em ôn tập. Nhà trường cũng đã phân công giáo viên đến gia đình hướng dẫn học sinh ôn tập ở nhà nhưng việc này đòi hỏi tính tự giác rất cao, cộng với sự quan tâm đôn đốc, nhắc nhở của phụ huynh mới mang lại hiệu quả.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc