Multimedia Đọc Báo in

Dạy học qua Internet, trên truyền hình - đạt mục đích kép

10:19, 03/04/2020

Từ ngày 1-4, học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh có thêm một kênh học tập hữu ích - học qua truyền hình do Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện.

Hình thức dạy học này đạt được mục đích kép là vừa thực hiện nghiêm việc cách ly toàn xã hội, vừa giúp học sinh cuối cấp tận dụng tối đa thời gian để học tập, ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Hào hứng dạy - học trên truyền hình

Đúng 8 giờ 30 ngày 1-4, chương trình dạy học đầu tiên được phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (DRT). Với thời lượng 90 phút (từ 8 giờ 30 phút đến 10 giờ 5 phút, mỗi môn học là 30 phút), các thầy cô giáo đã giúp các em học sinh lớp 12 ôn tập kiến thức của 3 bộ môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh đã được học trong học kỳ I năm học 2019 - 2020.

Cô Huỳnh Ánh Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột - giáo viên dạy môn tiếng Anh trong buổi học đầu tiên cho biết: “Trong thời gian 30 phút, tôi hướng dẫn các em học sinh ôn tập lại cách phát âm đuôi s/es và phát âm đuôi ed - đây là một trong những dạng bài ngữ âm, trọng âm trong đề thi tiếng Anh THPT quốc gia". 

Cô Hồng chia sẻ, giáo viên được chọn tham gia chương trình dạy học trên truyền hình đều đã trải qua cuộc thi E-Learning. Ngoài chuẩn bị kỹ nội dung bài giảng theo kết cấu, thời lượng chương trình quy định, bản thân mỗi giáo viên còn phải rèn luyện phong cách diễn đạt từ nhiều ngày trước để học sinh tiếp thu bài hiệu quả tốt nhất. Dẫu vậy, cũng khó tránh khỏi áp lực về thời gian, ống kính máy quay, đặc biệt là tâm lý dạy không có tương tác với học sinh.

Em Đỗ Thị Thúy Nhàn, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Ngô Gia Tự đang theo dõi, học tập trên truyền hình. Ảnh: Nguyên Hoa
Em Đỗ Thị Thúy Nhàn, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Ngô Gia Tự đang theo dõi, học tập trên truyền hình. Ảnh: Nguyên Hoa

Cũng như nhiều học sinh lớp 12 ở Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar), em Đỗ Thị Thúy Nhàn, học sinh lớp 12A2 háo hức đón chờ chương trình dạy học trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. “Đây là kênh hỗ trợ học tập rất hữu ích giúp chúng em tận dụng tối đa thời gian ôn tập khi chưa thể trở lại trường học tập. Theo em, ở chương trình phát sóng đầu tiên phần âm thanh chưa tốt lắm; giáo viên nên dành nhiều thời gian hơn cho phần bài tập, vì nội dung lý thuyết đã được học ở học kỳ I”- em Nhàn phản ánh.

Tại Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Krông Búk), nhà trường đã thông tin đến học sinh, giáo viên trong trường về chương trình học tập trên truyền hình của tỉnh. Em Dương Thị Hoàng Anh, học sinh lớp 12D nhận xét: “Giáo viên giảng dạy các môn học trên truyền hình tốc độ vừa phải, bài giảng dễ hiểu, bám sát chương trình học và định hướng thi THPT quốc gia; những nội dung bài học chưa hiểu, em có thể truy nhập vào website: drt.vn xem lại”. Còn theo thầy giáo Nguyễn Tự Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu: "Việc dạy học trên truyền hình có phần hạn chế so với dạy học truyền thống, do đó nhà trường phân công giáo viên dạy các môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh lớp 12 năm học 2019 - 2020 theo dõi các buổi phát sóng để giải đáp thắc mắc, giao bài tập tương ứng và sửa bài cho các em qua online".

Cách TP. Buôn Ma Thuột gần 90 km, các em học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Đrắk) cũng hào hứng với hình thức dạy học qua truyền hình. Ước tính ở buổi học đầu tiên qua truyền hình có khoảng 40% học sinh lớp 12 theo dõi bài học. Về phía giáo viên, 100% giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn lớp 12 và tổ trưởng 3 tổ bộ môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh cũng theo dõi các bài giảng trên truyền hình để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn học sinh về những kiến thức mà các em chưa nắm vững.

Duy trì nền nếp, rèn luyện ý thức tự giác học tập

Trước đó, nhằm duy trì nền nếp, giữ thói quen học tập, đồng thời giúp học sinh củng cố kiến thức và dạy bài mới trong thời gian được nghỉ học ở nhà để phòng chống dịch Covid-19, nhiều trường học trong tỉnh đã chủ động triển khai dạy học trực tuyến (online), cho học sinh làm bài tập online…

 
"Buổi phát sóng đầu tiên chương trình dạy học trên truyền hình nhận được nhiều phản hồi tích cực, tuy nhiên chất lượng đường truyền chưa tốt. Đây là chương trình mới, đang trong giai đoạn thử nghiệm, nên qua mỗi buổi phát sóng Sở GD-ĐT lắng nghe, nắm bắt ý kiến phản hồi của phụ huynh, học sinh, giáo viên cũng như các trường để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chương trình. Thời gian tới, tùy vào điều kiện cũng như tình hình dịch bệnh, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Đài PT-TH tỉnh tổ chức dạy học trên truyền hình các môn thi THPT quốc gia và một số môn học ở các khối lớp khác".
 
Bà Lê Thị Thảo - Trưởng Phòng THPT (Sở GD-ĐT)

Một trong những cơ sở giáo dục đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học là Trường THPT Cao Bá Quát (TP. Buôn Ma Thuột).

Cô giáo Phạm Thị Nguyệt Thơ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, nhà trường quyết tâm tổ chức dạy học tất cả các môn (kể cả thể dục và quốc phòng) qua ứng dụng phần mềm dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh được nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19.

Qua kiểm tra, 80% học sinh của nhà trường tham gia học trực tuyến, còn lại 20% số học sinh chưa tham gia vì không có máy tính, hoặc chưa kết nối Internet. Đối với số học sinh này, nhà trường photo bài học, bài tập cho cả tuần, các em đến Văn phòng Đoàn trường nhận về nhà tự học. Tuần sau đó, các em đến trường nhận bài học, bài tập của tuần mới, đồng thời nhận bài tập thầy cô đã chấm điểm, nhận xét để xem lại.

Là người quản trị hệ thống dạy học trực tuyến của Trường THPT Cao Bá Quát, thầy Đinh Tấn Truyền, Tổ trưởng tổ Tin học Kỹ thuật cho hay, sau khi tìm hiểu kỹ một số phần mềm dạy học trực tuyến, thầy quyết định chọn ứng dụng Edmodo để tham mưu cho lãnh đạo nhà trường tổ chức quản lý hoạt động dạy trực tuyến theo mô hình dạy học Intel. Mỗi giáo viên và học sinh được cấp tài khoản Edmodo (miễn phí) để tham gia vào hoạt động tương tác trực tuyến. Ưu điểm của phần mềm này là linh hoạt về thời gian; đánh giá kết quả nhanh; tính tương tác cao giữa giáo viên, học sinh và giám sát của phụ huynh. Bên cạnh đó, hệ thống hỗ trợ quản lý nhà trường quản lý việc dạy - học trực tuyến.

Lãnh đạo Trường THPT Cao Bá Quát (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra tình hình dạy học của giáo viên, học sinh trên ứng dụng Edmodo. Ảnh: Nguyên Hoa
Lãnh đạo Trường THPT Cao Bá Quát (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra tình hình dạy học của giáo viên, học sinh trên ứng dụng Edmodo. Ảnh: Nguyên Hoa

Nhà trường mở hệ thống học trực tuyến này từ 8 giờ đến 23 giờ hằng ngày để học sinh chủ động thời gian học tập, song lại khống chế thời gian học và làm bài tập của mỗi môn học để các em tập trung học tập. Sau mỗi bài học, từng học sinh đều phải làm bài tập và nộp bài. “Thông qua việc làm bài tập, giáo viên, lãnh đạo nhà trường sẽ kiểm tra, đánh giá hiệu quả học tập, làm việc của học sinh và giáo viên. Hết thời gian quy định, nếu học sinh không hoàn thành bài học, bài tập sẽ không được vào làm lại. Việc khống chế thời gian học tập đối với từng môn học nhằm rèn luyện cho các em học sinh ý thức, thói quen tự học tập. Đây là sự cam kết của học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường: Dạy và học trực tuyến không phải để... vui là chính ” - thầy Truyền nhấn mạnh.

Hoa Lan Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.