Học trò trường làng chế tạo máy rửa tay tự động
Tận dụng những ngày phải nghỉ học do dịch Covid-19, em Lê Nguyễn Hoàng Triều, học sinh lớp 9D, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (huyện Krông Bông) đã mày mò nghiên cứu, chế tạo máy rửa tay tự động.
Đầu tháng 5, khi học sinh đã đi học trở lại, việc phòng, chống Covid-19 vẫn luôn được chú trọng. Tại các lớp học của Trường THCS Nguyễn Viết Xuân đều được trang bị nước rửa tay khô và sân trường có bồn rửa di động, giúp các học sinh chủ động giữ vệ sinh, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, chiếc máy rửa tay tự động của Triều cũng được đưa vào sử dụng.
Máy rửa tay tự động do Triều sáng chế có cấu tạo gồm 1 bo cảm biến hồng ngoại, 1 mạch hẹn trễ, 1 mô tơ 12V, cồn 90 độ, ngoài khung vỏ được in hướng dẫn sử dụng máy và quy trình rửa tay sát khuẩn của Bộ Y tế, cùng một số vật liệu khác. Máy hoạt động với nguyên lý: khi cho tay vào máy thì cảm biến hồng ngoại sẽ nhận, mô tơ hoạt động và phun một lượng vừa đủ dung dịch cồn 90 độ, chức năng hẹn giờ tự động ngắt mô tơ ngừng phun.
Học sinh sử dụng máy rửa tay tự động do em Lê Nguyễn Hoàng Triều sáng chế. |
Hoàng Triều cho hay, trước khi hoàn thành chiếc máy này, em cũng đã thử chế tạo bằng cảm biến ánh sáng, tham khảo các loại máy rửa tay tự động đang có trên thị trường, sau đó mới chế tạo sao cho phù hợp với chức năng cũng như điều kiện sử dụng hiện nay. Vì vậy, máy giúp người dùng nhận vừa đủ lượng dung dịch cho 1 lần rửa tay và có đủ thời gian rửa tay 6 bước theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khi đưa tay ra khỏi vị trí, máy tự động ngắt sau 3 giây và sẵn sàng cho người tiếp theo sử dụng. Các bạn học sinh sử dụng máy đều cảm thấy hài lòng và yên tâm vì không cần dùng tay tiếp xúc với chai dung dịch...
Với Triều, chế tạo chiếc máy rửa tay tự động không chỉ là làm ra được sản phẩm hữu ích cho các bạn, cho cộng đồng, mà còn giúp em tích lũy, rèn luyện được rất nhiều kỹ năng cho bản thân. Triều sử dụng tiền tiết kiệm để mua máy móc, linh kiện chế tạo máy, ưu tiên những vật liệu rẻ tiền, dễ tìm kiếm và cả vật liệu tái chế để góp phần bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm chi phí sản xuất. Tổng kinh phí để hoàn thiện máy khoảng 600.000 đồng và có thể giảm hơn nữa nếu cắt bớt khâu gia công. Hiện nay, Triều đang chế tạo chiếc máy rửa tay tự động thứ hai có công suất lớn hơn. Với những vật liệu có sẵn và quy trình cụ thể, em chỉ mất 2 ngày để có thể hoàn thiện sản phẩm. Theo thầy Nguyễn Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, chiếc máy rửa tay tự động của Hoàng Triều rất có ý nghĩa với nhà trường, đây không chỉ là một sản phẩm hữu ích, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng trong đại dịch, mà còn thúc đẩy nâng cao tinh thần nghiên cứu, học tập và ứng dụng vào trong thực tiễn.
Em Lê Nguyễn Hoàng Triều và chiếc máy rửa tay tự động. |
Được biết, Triều đặc biệt đam mê chế tạo máy móc, từ hồi nhỏ đã hay tận dụng những mạch điều khiển bị hư trong các xe ô tô điều khiển đồ chơi để mày mò, sửa chữa. Dần dần, qua quá trình học tập và tìm hiểu, biết rõ về chức năng công dụng của những sản phẩm, linh kiện… em đã nghiên cứu và chế tạo ra nhiều đồ chơi phục vụ cho bản thân, đến lần này là chiếc máy rửa tay tự động để phục vụ cho cộng đồng.
Triều tâm sự, có được kết quả nho nhỏ đó là nhờ bố mẹ luôn ủng hộ, tạo điều kiện; thầy cô, bạn bè thường xuyên động viên, giúp đỡ, góp ý, chia sẻ. Đó là động lực để em nuôi dưỡng và hiện thực hóa niềm đam mê. Qua quan sát trong thực tế, em thấy người nông dân trồng điều rất vất vả khi phun thuốc cho cây, cây điều cao, khi phun phải dùng cây tre gắn với ống dẫn và đưa lên cao, nếu gặp gió hoặc bất cẩn, thuốc sẽ chảy xuống bắn vào người, gây nguy hiểm. Vì vậy, em đang ấp ủ kế hoạch nghiên cứu và chế tạo máy phun thuốc cho cây điều nhằm giúp người nông dân đỡ vất vả.
Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc