Multimedia Đọc Báo in

Vất vả vận động học sinh trở lại trường

08:31, 29/05/2020

Sau thời gian dài nghỉ học do dịch Covid-19, nhiều học sinh ở huyện vùng sâu Krông Bông đã “bỏ quên” trường lớp, nhất là cấp trung học cơ sở (THCS), dù cho nhà trường và chính quyền địa phương đã tích cực vận động.

Nhiều học sinh bỏ học

Học sinh bỏ học sau tết, sau mỗi kỳ nghỉ là điều mà thầy cô giáo tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn huyện Krông Bông luôn trăn trở. Trước tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài để phòng, chống dịch Covid-19, "bài toán" được các nhà trường đặt ra không phải chỉ là bổ sung kiến thức cho các em mà quan trọng hơn là duy trì được sĩ số lên lớp sau dịch.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông, tính đến nay trên địa bàn huyện đã có 22 em học sinh bỏ học, trong đó cấp tiểu học có 7 em, THCS có 15 em. Những trường có học sinh bỏ học nhiều nhất là THCS Cư Pui và THCS Ea Trul. Đáng nói là trong số đó có em học rất khá nhưng đã bỏ học, mặc dù cả giáo viên và hiệu trưởng nhà trường đến nhà vận động.

Ông Lê Xuân Quý, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông cho biết, nguyên nhân khiến sĩ số học sinh ở các trường không đảm bảo là do một số em là người dân tộc thiểu số theo bố mẹ đi làm xa chưa về kịp nên chưa đến trường; một số em có hoàn cảnh khó khăn nên nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình; có nhiều em học lực yếu dẫn đến chán nản không muốn đi học, trong đó có cả trường hợp học sinh bỏ học để lập gia đình… Bên cạnh đó, một số học sinh còn đi học không đều (có buổi đi, buổi vắng) làm ảnh hưởng đến sĩ số lớp học.

Duy trì sĩ số lớp sau kỳ nghỉ chống dịch Covid-19 là khó khăn của một số trường học ở huyện Krông Bông.
Duy trì sĩ số lớp sau kỳ nghỉ chống dịch Covid-19 là khó khăn của một số trường học ở huyện Krông Bông.

Ông Lý Văn Vần ở thôn Ea Lang (xã Cư Pui), phụ huynh của em Lý Văn Cường (học sinh lớp 7A8, Trường THCS Cư Pui) than vãn, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và bắt đầu kỳ nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, cháu Cường đòi bố mẹ cho vào TP. Hồ Chí Minh để làm công nhân. Dù khi bắt đầu đi học lại, gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương đã động viên rất nhiều, nhưng cháu Cường vẫn không chịu về để đi học và nhất quyết đòi nghỉ. Tương tự, em Nguyễn Thị Linh (học sinh lớp 9A1, Trường THCS Cư Pui) cũng bỏ ngang việc học dù là học sinh tiên tiến. Mẹ của Linh là bà Nguyễn Thị Ngoãn (thôn Điện Tân, xã Cư Pui) buồn rầu tâm sự, gia đình bà thuộc diện hộ cận nghèo của xã, chồng bà mất sớm, bà có 4 người con thì 3 cháu lớn đã lấy chồng ở xa, còn con út là Linh. Do hoàn cảnh khó khăn, mẹ lại thường xuyên đau ốm nên ăn Tết xong, Linh đòi nghỉ học để vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân may mặc mong có tiền lo cho mẹ. Khuyên con không được nên bà Ngoãn cũng đành lòng để cho con đi.

Khó khăn trong vận động

Trước thực trạng trên, ngành Giáo dục huyện cùng nhà trường và địa phương đã đẩy mạnh công tác vận động vì chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc năm học. Những tuần qua không ngày nào, các thầy cô Trường THCS Cư Pui không gọi điện và lặn lội đến tận nhà vận động học sinh ra lớp. Thầy Phan Ngọc Tuấn, Quyền Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui cho biết, toàn trường có 1.043 học sinh/26 lớp. Học kỳ I, học sinh đi học bình thường, không có hiện tượng bỏ học, nhưng sau kỳ nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19 toàn trường có 12 em không đến lớp nữa. Hầu hết các em bỏ học đều đi làm ăn xa ở TP. Hồ Chí Minh hoặc ở nhà lấy chồng vì gia đình khó khăn. Ngay khi phát hiện học sinh chưa trở lại lớp, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, thậm chí là đích thân hiệu trưởng đã nhiều lần về từng thôn để vận động gia đình cho các em đi học trở lại. Tuy nhiên, hiện nay công tác vận động của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn do tại địa phương số lượng lao động chưa đủ tuổi nhưng đi làm tại các thành phố lớn khá nhiều. Bên cạnh đó, một số thôn đồng bào Hmông ở địa phương vẫn còn hủ tục tảo hôn nên rất khó để nhà trường vận động các em đi học lại. Đặc biệt hơn, có nhiều phụ huynh không quan tâm đến việc học của con, muốn con đi làm kiếm tiền, mặc dù thầy cô nhiều lần gọi điện, đến nhà vận động.

Ngoài Trường THCS Cư Pui, một số trường khác trên địa bàn huyện cũng trong tình cảnh tương tự, chẳng hạn như Trường THCS Ea Trul cũng có 3 em không đến trường sau kỳ nghỉ phòng, chống dịch Covid-19. Thầy Nguyễn Hồ Minh, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, các học sinh này đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên bỏ học để đi làm ăn xa. Dù Ban vận động của trường đã phối hợp với Ban tự quản các buôn nhiều lần đến nhà thuyết phục nhưng đều thất bại.

Thực tế cho thấy, ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, để thuyết phục học sinh trở lại học sau mỗi kỳ nghỉ là thách thức không nhỏ. Theo ông Lê Xuân Quý, thời gian tới, Phòng GD-ĐT huyện sẽ chỉ đạo các trường phối hợp với địa phương để thành lập Ban vận động học sinh trở lại lớp, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc học.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc