Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

08:22, 18/06/2020

Năm học 2020 - 2021, huyện Krông Bông dự kiến thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với 96 lớp 1 ở 23 trường tiểu học và Tiểu học - THCS trên toàn huyện.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai chương trình GDPT mới.

Theo thống kê, tỷ lệ giáo viên bậc Tiểu học của huyện Krông Bông hiện nay mới chỉ đạt 1,3 giáo viên/lớp (541 giáo viên/416 lớp); trong đó có 8 trường chỉ đạt 1,2 giáo viên/lớp; 2 trường đạt 1,1 giáo viên/lớp. Những trường có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp chủ yếu thuộc các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Dang Kang, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao. Thầy Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Hăn chia sẻ: “Hiện nay nhà trường mới chỉ đạt 1,1 giáo viên/lớp. Năm học 2020 – 2021, nhà trường có 7 lớp 1. Để học sinh lớp 1 được học hai buổi/ngày, nhà trường cần phải bổ sung thêm 3 giáo viên nữa”.

Giờ học của học sinh khối lớp 1 Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao).
Giờ học của học sinh khối lớp 1 Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao).

Nan giải nhất là việc thiếu phòng học. Theo thống kê, các trường ở bậc tiểu học của huyện Krông Bông tuy đã đạt 0,9 phòng học/lớp nhưng việc thừa - thiếu lại xảy ra cục bộ. Để đáp ứng đủ phòng học cho các trường thực hiện chương trình GDPT mới trong năm học 2020 - 2021, huyện cần thêm 50 phòng học nữa. Các trường thiếu nhiều nhất tập trung ở vùng sâu như: Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong), Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui), Trường Tiểu học Yang Reh (xã Yang Reh), Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Drăm)… Ông Nguyễn Nguyên Đồng, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: “Cơ sở vật chất trường học của xã Hòa Phong còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là ở Trường Tiểu học Cẩm Phong. Hiện nay nhà trường có 31 lớp nhưng phòng học mới chỉ đáp ứng được cho việc học 2 ca/ngày. Chỉ tính riêng năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Cẩm Phong cần thêm 7 phòng học nữa để 7 lớp 1 được học 2 buổi/ngày”.

Từ nay đến năm 2025, để các trường tiểu học đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, huyện Krông Bông  phải cần thêm 99 biên chế giáo viên.

Việc học sinh học 2 buổi/ngày cũng là một trong những khó khăn mới đối với các trường có đông học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS). Huyện Krông Bông có đến 54,9% học sinh là người DTTS. Đa số các trường có học sinh DTTS tập trung ở vùng sâu, địa bàn rộng, nhiều điểm trường, các em phải đi học xa, không có người đưa đón, không có điều kiện tổ chức bán trú, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em... Đặc biệt, phần lớn học sinh là người dân tộc Hmông, Êđê, M’nông khi vào lớp 1 vốn tiếng Việt vẫn còn rất nhiều hạn chế - là khó khăn rất lớn trong việc lĩnh hội kiến thức theo chương trình GDPT mới.

Để khắc phục khó khăn nói trên, chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới và thay sách giáo khoa mới, huyện Krông Bông đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành và các địa phương tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho ngành giáo dục; đầu tư tối đa nguồn vốn mục tiêu sự nghiệp của tỉnh, của huyện trong giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 60 tỷ đồng) để xây dựng phòng học. Trước mắt, các trường cần tiết kiệm trong sử dụng tài sản, hạn chế mua sắm máy móc, trang thiết bị chưa cần thiết; tham mưu với cấp trên sửa chữa, nâng cấp những phòng học, bàn ghế cũ; tận dụng tối đa các phòng chức năng để làm phòng học; đẩy nhanh tiến độ xây dựng phòng học ở các trường kịp đưa vào sử dụng đầu năm học mới. Về đội ngũ giáo viên, trong thời gian tới, UBND huyện Krông Bông sẽ tiến hành xét đặc cách và xét đại trà những giáo viên trong diện hợp đồng vào biên chế để họ yên tâm công tác. Ngoài ra, UBND huyện Krông Bông cũng xét và đề nghị chuyển ngạch cho những nhân viên trường học đã có bằng sư phạm, đủ điều kiện sang ngạch giáo viên để bổ sung biên chế cho các trường thiếu giáo viên; xem xét sáp nhập những trường có quy mô nhỏ. Đồng thời, tiếp tục đề nghị UBND tỉnh bổ sung biên chế giáo viên.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.