Ðể sẵn sàng học trực tuyến trong trạng thái "bình thường mới"
Ngày 11-8, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Dự thảo Thông tư yêu cầu việc dạy học trực tuyến phải đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả nội dung dạy học theo quy định; phù hợp với kỹ năng của giáo viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, không tạo ra áp lực đối với giáo viên và học sinh.
Có ba hình thức tổ chức dạy học trực tuyến: Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp (giáo viên cung cấp tài liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp); dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp (giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường) và dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp (chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường).
Giảng viên Trường Cao đẳng FPT polytechnic Tây Nguyên dạy học trực tuyến cho sinh viên. Ảnh: Như Quỳnh |
Như vậy, với dự thảo này, Bộ GD-ĐT xác định mục đích của việc dạy học trực tuyến là để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, đặc biệt là khi các em không thể đến trường vì lý do khách quan. Phương thức này còn bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp trên lớp, giúp nâng cao hiệu quả dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh.
Trong tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, khó ai có thể khẳng định được khi nào mọi hoạt động học tập của học sinh, sinh viên sẽ trở lại bình thường như trước. Ngay cả đối với các du học sinh Việt Nam, con đường quay lại trường để tiếp tục việc học còn đang rất gian nan, thậm chí có nguy cơ phải chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn. Vì vậy, dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên của Bộ GD-ĐT chính là một sự chuẩn bị quan trọng để ứng phó trong trạng thái “bình thường mới” của toàn xã hội.
Tuy nhiên, để việc học trực tuyến có thể áp dụng đại trà trên phạm vi cả nước, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, cần phải có những hành động cụ thể, thiết thực của nhiều lực lượng. Thứ nhất, về phía nhà mạng viễn thông cần đầu tư các trạm thu phát sóng ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở để tạo điều kiện cho học sinh ở đây được học trực tuyến; đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ giá cước 3G, 4G cho học sinh, sinh viên. Về phía nhà trường, cần chuẩn bị sẵn sàng cho phương án dạy học trực tuyến như chọn ứng dụng nào, kinh phí, con người thế nào? Dạy học bằng ứng dụng Zoom sẽ không mất chi phí nhưng lại có những hạn chế như giới hạn thời gian truy cập nên cả giáo viên và học sinh tốn nhiều thời gian truy cập lại. Các ứng dụng khác thì lại thu phí, kinh phí sẽ lấy từ đâu?
Cùng với đó, phụ huynh cần tạo điều kiện tối đa cho con em mình có thể không đến trường nhưng không gián đoạn việc học. Phụ huynh cần phải chú ý hơn, kèm cặp con nhiều hơn nhất là đối với các em tiểu học, phối hợp chặt chẽ với giáo viên để đảm bảo chất lượng của học trực tuyến. Ngoài ra, rất cần có sự hỗ trợ từ các lực lượng khác như cá nhân, tổ chức từ thiện giúp các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trang bị điện thoại thông minh hoặc ipad, laptop cũ (mượn hoặc cho, tặng) bởi nếu không học trò nghèo sẽ có nguy cơ không thể học trực tuyến.
Trong bối cảnh "bình thường mới" như hiện nay, việc học trực tuyến cần được xem như một hoạt động thường xuyên của học sinh. Càng chuẩn bị chu đáo cho việc học trực tuyến chúng ta càng sớm thích nghi nếu như học sinh lại không được đến trường như trước đây.
Ý kiến bạn đọc