Một cách nhìn hay về giáo dục
09:57, 23/08/2020
Bài viết này được viết trên tinh thần của tác phẩm “Vài suy nghĩ về giáo dục” của triết gia John Locke (Dương Văn Hóa dịch, Nxb Tri Thức, 2017).
Những luận điểm chính trong cuốn sách này được John Locke viết trong bối cảnh giáo dục châu Âu ở thế kỷ 17 nhưng vẫn được cho là có thể cung cấp thêm một góc nhìn về giáo dục cũng như gợi mở nhiều điểm quan trọng có liên quan giáo dục hiện nay: mục tiêu giáo dục, phương pháp giáo dục và các hình thức thưởng, phạt.
Về mục tiêu của giáo dục, John Locke cho rằng, giáo dục là để các cá nhân có thể trở thành người có đức hạnh, sự khôn ngoan, phép lịch sự và học vấn. Trong đó, ông nhấn mạnh phẩm chất đức hạnh là số 1, vì đức tính này sẽ giúp con người đạt được hạnh phúc. Khôn ngoan (được hiểu là khả năng biết nhìn xa, trông rộng) là phẩm chất thứ hai được giáo dục hướng tới. Đức tính cần có thứ ba là phép lịch sự. John Locke khuyến khích việc tập cho trẻ đức tính “đừng nghĩ xấu cả về mình cũng như về người khác”. Riêng đối với học vấn, ông nhấn mạnh việc “học đọc, học viết và học vấn nói chung, tất cả những thứ này đều cần thiết” nhưng ông không nghĩ rằng “đó là việc chính của giáo dục”. Vì “đối với những con người tâm trí chưa phát triển, học vấn chỉ làm cho họ ngây ngô hay trở thành người xấu hơn” và “nên để học vấn ở hàng thứ yếu, phụ thuộc vào các đức tính cao cả hơn”. Từ đó, John Locke khuyến khích cha mẹ hãy chú ý tới điểm mà ông cho là quan trọng “hãy kiếm một người biết dạy lối cư xử một cách tế nhị” để có thể “phát triển và nuôi dưỡng các khuynh hướng tốt”, “từ từ sửa đổi các thói xấu và giúp thói quen tốt” cho con mình.
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn học sinh làm Toán. (Ảnh minh họa) |
Luận điểm của John Locke được dựa trên sự hiểu biết về đặc điểm tâm lý lứa tuổi trẻ em khi nhấn mạnh “trí óc trẻ con yếu kém, thường thường chỉ chứa đựng được mỗi lần một ý tưởng. Khi đứa trẻ có một ý tưởng gì trong óc nó thì nó hoàn toàn bị ý đó xâm chiếm, nhất là khi có sự đam mê trong đó”. Ông hiểu rất rõ rằng “một sự chú ý lâu dài và liên tục là một việc khó mà ta có thể đòi hỏi nơi đứa trẻ” và “nếu đứa trẻ không cảm thấy thích thú chút nào khi cầm cuốn sách, ta không nên ngạc nhiên thấy ý nghĩ của nó tách xa khỏi cái làm cho nó khó chịu và liên tưởng đến những điều mà trí tưởng tượng của nó khiến chúng thích thú hơn”.
John Locke nhận ra rằng “lời nói thậm tệ, roi vọt làm đứa trẻ kinh sợ, trí óc nó bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi và không còn chỗ cho các ý tưởng khác nữa”. Ngay cả đối với người lớn cũng dễ rơi vào tình trạng “bối rối khi nghe các lời nóng nảy, đầy quyền uy”. John Locke lưu ý rằng, “cha mẹ và người thầy đặt quyền uy trên sự sợ hãi và dạy dỗ trẻ con dựa trên nguyên tắc đó: nhưng một khi đã tạo ra được uy thế rồi thì nên sử dụng một cách dè dặt” vì “sự nghiêm khắc có thể giúp công việc dạy dỗ dễ dàng hơn cho cha mẹ và người thầy nhưng không giúp ích gì cho trẻ con”.
Vậy, kỷ luật sẽ được sử dụng như thế nào? John Locke viết rõ rằng, tính kỷ luật cần được tập cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ có khả năng kiềm chế ham muốn. Cha mẹ phải làm gương và nên trở thành bạn bè với con vì “muốn trở thành một con người tốt, khôn ngoan và có đức hạnh, đứa trẻ phải biết vượt qua sự ham muốn, thắng lòng thèm muốn vật chất hay tránh ăn những gì làm thỏa mãn khẩu vị… và sớm tập cho nó thói quen phục tùng lý trí”. Lối đối xử độc đoán và cứng rắn, ngay cả bằng roi vọt sẽ được dùng khi “có sự bướng bỉnh và ngoan cố”. Nhưng John Locke tin tưởng rằng, “sự hư hỏng của đứa trẻ nhiều khi chỉ là hậu quả của sự khắc nghiệt” và “phần đông trẻ không đáng bị đánh”. Học sinh nghĩ xấu và ghét người thầy với tất cả những gì liên quan đến ông ta là do người thầy đã “nghiêm khắc không cần thiết và có hình phạt áp dụng không đúng chỗ”.
Nếu giáo viên bất lực trong việc tìm ra phương pháp sẽ dẫn tới xung đột giữa thầy và trò. Cách duy nhất để một đứa trẻ nghe lời giảng dạy của người thầy và yêu thích những gì người thầy dạy là để “trẻ biết rằng, ta yêu thương nó, rằng ta chỉ muốn sự tốt cho nó”.
Trong bối cảnh hiện nay, học sinh có nhiều công cụ để học tập cũng như có cơ hội tiếp nhận kiến thức thông qua nhiều kênh. Đồng thời, học sinh cũng có nhiều lựa chọn để giải trí trong thời gian nhàn rỗi. Bởi vậy, việc xao nhãng học hành là điều rất dễ xảy ra đối với một đứa trẻ. Vấn đề đặt ra là, nguyên tắc cho việc thực hiện các phương pháp dạy học sẽ như thế nào để đứa trẻ có thể duy trì niềm yêu thích học tập? Hy vọng “vài suy nghĩ về giáo dục” của John Locke sẽ giúp cha mẹ và những người làm giáo dục nhận ra một trong những luận điểm có ý nghĩa then chốt để trả lời cho câu hỏi trên là: “Một đứa trẻ sẽ thích việc học, nếu như “thấy được rằng, nhờ có học mà nó có thể làm những điều mà trước nay nó không làm được, rằng nó đã có thể có được những hiểu biết để giúp nó có một năng lực và hơn hẳn những kẻ còn ngu dốt”.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc