Multimedia Đọc Báo in

Nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

08:32, 09/08/2020
Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020” (viết tắt là Đề án), những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã có nhiều giải pháp hiệu quả giúp học sinh DTTS mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp.
 
Xác định việc dạy tiếng Việt cho học sinh từ mầm non là tiền đề quan trọng để trẻ có thể tiếp thu bài tốt hơn và tự tin hòa nhập với bạn bè khi vào lớp 1, Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã tạo điều kiện cho trẻ nhận biết, phát âm tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi bằng cách dán tên gọi và số đếm phù hợp lên các thiết bị đồ chơi, bức tranh, cây cảnh; thường xuyên tổ chức hoạt động hát, múa, kể chuyện bằng tiếng Việt với nội dung, kiến thức mà các bé đang học; xây dựng thư viện thân thiện, hướng dẫn cha mẹ đọc sách cùng các con để tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt, đồng thời góp phần xây dựng văn hóa đọc cho trẻ. …
 
Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui cho biết, việc dạy nói tiếng Việt cho trẻ em người DTTS đòi hỏi giáo viên không chỉ thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, phát âm chuẩn mà còn phải khéo léo, kiên nhẫn lặp lại nhiều lần để trẻ quan sát và nói theo. Bên cạnh đó, để thuận tiện cho quá trình giao tiếp, các giáo viên của nhà trường còn tự học tiếng dân tộc thiểu số từ các đồng nghiệp và người dân. 
 
Tiết học tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (huyện Krông Búk).
Tiết học tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (huyện Krông Búk).
Tương tự, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Cư Né, huyện Krông Búk) cũng có nhiều cách làm sáng tạo trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Năm học 2019 – 2020, nhà trường có 239 học sinh, trong đó 232 học sinh DTTS. Phần lớn học sinh DTTS đều ngại giao tiếp bằng tiếng Việt, vốn từ vựng còn hạn chế, khó diễn đạt ý.
 
Năm học 2019 - 2020 có 97% học sinh tiểu học người DTTS hoàn thành chương trình môn tiếng Việt; tỷ lệ học sinh tiểu học người DTTS được học 2 buổi/ngày đạt gần 84% (tăng 49% so với năm học 2015 – 2016); trẻ DTTS 6 tuổi vào học lớp 1 tăng lên 99,8%.

Vì vậy để các em có thể nói thành thạo tiếng Việt, ngoài các buổi dạy chính khóa nhà trường còn tăng thời lượng dạy tiếng Việt vào một số ngày học trong tuần; tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh người DTTS phương pháp giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt tại gia đình giúp trẻ có thêm thời gian, cơ hội được nói tiếng Việt; thường xuyên theo dõi, lắng nghe phát âm của học sinh để phát hiện những lỗi sai và trực tiếp hướng dẫn các em cách phân biệt, sửa lỗi. 

Đến nay khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của học sinh trong trường được nâng lên, đa số trẻ có thể nói tiếng Việt lưu loát, đủ câu, đủ ý. Kết thúc năm học 2019 – 2020 hơn 92% học sinh hoàn thành tốt và hoàn thành môn tiếng Việt, nhiều em đoạt giải cao trong Hội thi “Giao lưu tiếng Việt của chúng em”, “Đội em kể chuyện Bác Hồ” cấp huyện. Đặc biệt nhận thức của phụ huynh người DTTS về việc học tiếng Việt của con em ngày càng thay đổi tích cực.
 
Theo thầy Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT, sau gần 5 năm thực hiện Đề án, chất lượng giáo dục môn tiếng Việt của học sinh DTTS tăng lên hằng năm, hoàn thành mục tiêu đề ra. 100% trẻ người DTTS đến trường đều được tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng độ tuổi theo quy định, giúp trẻ nhận biết và phát âm đúng chữ cái, sử dụng tiếng Việt thành thạo, mạnh dạn trong giao tiếp.  Đây chính là tiền đề để Sở GD-ĐT nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nhất là tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trong những năm học tiếp theo.
 
Như Quỳnh
 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.