Multimedia Đọc Báo in

Đây trời thu tháng chín...

08:31, 07/09/2020

Tháng Tám qua đi trong cái hanh hao của cơn mưa cuối hạ vội vã, tiếng ve cũng đã rao lạc cả giọng sau mấy tháng hát ròng. Tháng chín về, nhường chỗ cho bầu trời trong cao hơn, mấy sợi nắng mùa thu tơ vương trên những gân lá xanh non và có cả làn mưa nhẹ bất chợt lướt qua.

Nhưng nắng ngày thu của tháng chín dịu ngọt rất lạ, bởi nghe đâu đây giữa khúc giao mùa có tiếng hoan ca của muôn triệu trái tim và nhịp chân chộn rộn của những tà áo trắng bay.

Hè qua, thu tới, tháng chín là một mùa tựu trường mới bắt đầu. Đó là mỗi độ nỗi nhớ ùa về, sóng lòng lại ùn lên thành từng lớp làm người ta nhớ quay quắt về trời thu của ngày cũ. Ai đã một thời cắp sách, mấy ai có thể quên được cái háo hức của ngày khai trường hằn sâu trong ký ức bao kỷ niệm in dấu một thời.

Mùa thu trở về với những nhớ nhung, hoài niệm, với những xúc cảm cũ, mới đan xen. Mỗi độ thu về, bầu trời tháng chín bỗng nhiên trong xanh lạ, làm tôi nhớ sợi nắng len nhẹ đong đưa qua mấy tán phượng năm nào. Bao nhiêu mùa tựu trường qua đi, tôi vẫn có cảm giác đó.

Nhớ cái hồi hộp, nôn nao không ngủ được từ mấy hôm trước để chờ đến ngày khai trường. Không nôn nao sao đặng, khi ròng rã suốt mấy ngày tháng hè, sân trường vắng lặng tiếng cười khúc khích của tụi học trò, mặc buổi trưa hè đầy nắng, ve sầu cứ mải miết những khúc hoan ca.

 Cô và trò Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột)
Cô và trò Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột) náo nức trong ngày khai giảng năm học 2020 -2021. Ảnh: Thùy Linh

Ngày đầu đi học, buổi sáng tôi thức dậy trong niềm vui và sự háo hức. Buổi cơm sáng mẹ chuẩn bị cũng được tôi “xử lý” một cách nhanh gọn để chạy vội vào mặc bộ đồ quần xanh áo trắng đã được mẹ ủi tinh tươm từ tối hôm trước. Con đường đến trường đi qua nhiều ngõ quanh co, vẫn con đường đất đỏ, lối rẽ vào trường ngang qua mấy bụi lau già không khác trước, nhưng lòng tôi lại háo hức vô cùng.

Ngày khai trường, gặp lại thầy cô, bạn cũ, tiếng trống trường càng thúc giục bước chân vội vã hơn. Buổi sáng nơi sân trường, tôi thích thú khi bắt gặp lại gốc phượng già mà tụi học trò thường tụm năm tụm bảy hay nỗi buồn bất chợt của đứa con gái mới lớn khi vấp phải chiếc lá bàng khẽ rơi.

Trời thu luôn đẹp. Nhưng tôi cũng hiểu, mùa thu tựu trường là mùa mà mẹ phải thức giấc sớm hơn để bươn chải, dãi nắng đội mưa ngày hè chắt chiu từng đồng bạc từ mớ rau bán được ở buổi chợ quê ế ẩm. Theo năm tháng, theo từng mùa thu đi, quang gánh lại oằn vai mẹ, nếp nhăn lại hằn sâu trong mắt cha đổi lấy bộ quần áo mới, học phí, sách, bút... Để rồi sắm sửa cho con mình ngòi bút hay tấm vở mới mà theo đuổi từng con chữ. Để rồi ngày thu tháng chín, tôi ngồi sau yên xe, cha đưa đến trường với sự hớn hở trong bộ đồ mới tinh tươm, cùng bè bạn háo hức dong bước kịp tiếng trống ngày khai giảng. Những yêu thương, hy sinh thầm lặng ấy chẳng thể nào đong đo bằng phép tính. Đó cũng là hành trang để tôi nuôi dưỡng và chạm tới những ước mơ...

Những nếp nhăn mà mỗi mùa khai trường đi qua hằn sâu trên gương mặt sạm nắng của mẹ, cũng cho tôi biết, mình sẽ không bao giờ được lùi bước trước khó khăn. Tôi như thấy, ước mơ, quyết tâm cùng nghị lực vươn lên trong tôi không bao giờ là cũ. Tôi hiểu, hết thảy chỉ là thử thách, phía trước trời thu đang rộng mở. Bởi thế, mỗi mùa khai trường, như bằng tất cả quyết tâm gom góp lại, tôi chào năm học mới bằng niềm tin và nghị lực của chính mình. Chào năm học mới, bằng quyết tâm mới, viết tiếp ước mơ bên những trang sách thấm đẫm giọt mồ hôi của cha, của mẹ.

… Hôm nay, đi trong lòng mùa thu tháng chín, nhìn những cô cậu học trò bước vội đến trường làm tôi nao lòng cho một mùa nhớ đã xa. Nỗi nhớ chan hòa với nắng nhẹ của buổi đầu thu, sự học buổi còn nghèo khó và khoảng trời trong veo một thuở.

Tôi như được đi học trở lại.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.