Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp và xây dựng trường chuẩn quốc gia

15:40, 12/09/2020

Dù còn nhiều khó khăn song những năm qua, huyện Krông Bông đã chú trọng sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp ở các bậc học: mầm non, tiểu học và THCS; đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, huyện Krông Bông đã thực hiện sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, ít điểm lẻ trên cùng địa bàn; dồn lớp đối với những lớp cùng khối nhưng có tỷ lệ học sinh/lớp thấp; xóa dần điểm trường lẻ ở những điểm trường có ít lớp, ít học sinh, cách điểm chính dưới 3 km. Năm học 2019 - 2020, huyện đã sáp nhập 3 trường tiểu học và 2 trường THCS thành 2 trường Tiểu học - THCS (Tiểu học - THCS Hòa Tân và Tiểu học - THCS Hòa Lễ), sáp nhập 2 điểm trường, giảm 11 lớp học ở 3 bậc học so với năm học 2018 - 2019.

 Trường  Mẫu giáo  Cư Pui  (xã Cư Pui)  phấn đấu  xây dựng  đạt chuẩn  quốc gia vào năm 2021.
Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui) phấn đấu xây dựng đạt chuẩn quốc gia vào năm 2021.

Sau khi sáp nhập trường, dồn lớp, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên dôi dư cũng là vấn đề rất khó khăn. Một số hiệu trưởng được điều động về làm phó hiệu trưởng ở một số trường; các trường sau khi sáp nhập lớp thì có tỷ lệ học sinh/lớp tăng lên; khi sáp nhập điểm trường học sinh phải đi học xa hơn. Đặc biệt, sau khi sáp nhập các trường không cùng bậc học ở hai địa phương, các cơ sở giáo dục gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thống kê, báo cáo, sử dụng phần mềm, chỉ đạo chuyên môn... Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, huyện Krông Bông đã sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên dôi dư hợp lý; các trường đã tham mưu với cấp trên và chính quyền địa phương xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu sau khi sáp nhập trường, điểm trường, lớp; phối hợp với thôn, buôn động viên học sinh khắc phục khó khăn khi phải đi học xa; tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo của loại trường nhiều cấp học... Đến nay nền nếp của các trường có sự biến động đã đi vào quy củ.

Trường Tiểu học Yang Mao được đưa vào lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2020 - 2025.
Trường Tiểu học Yang Mao được đưa vào lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2020 - 2025.

Bên cạnh đó, huyện Krông Bông cũng đã quan tâm chú trọng công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Trường THCS Cư Drăm (xã Cư Drăm), Trường THCS Hùng Vương (xã Yang Reh). Các trường đã tích cực tham mưu cho cấp trên bố trí nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ; nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc đổi mới phương pháp dạy học... Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Krông Bông đề ra kế hoạch xây dựng từ 5 - 7 trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay đã có thêm 10 trường được công nhận đạt chuẩn, 2 trường dự kiến được công nhận vào cuối năm 2020 (vượt 5 trường so với kế hoạch), nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia của huyện lên 17 trường.

Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Krông Bông tiếp tục quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, sáp nhập thêm một số trường có ít lớp, ít học sinh trên cùng địa bàn, giao thông đi lại thuận lợi; xóa những điểm trường lẻ ở các trường tiểu học có ít học sinh. Năm học 2020 – 2021, Phòng GD-ĐT huyện đã phối hợp với các địa phương và các trường rà soát, sắp xếp và thống nhất sáp nhập 2 trường tiểu học thành 1 trường, xóa 2 điểm trường lẻ ở bậc tiểu học, giảm 19 lớp so với năm học trước. Biên chế dư ra từ việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp sẽ được điều chuyển về những trường ở các xã vùng sâu đang thiếu giáo viên trầm trọng như Cư Pui, Cư Drăm. Đồng thời, trong giai đoạn này, huyện Krông Bông cũng đưa 10 trường vào lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.