Multimedia Đọc Báo in

Những thành quả trong sự nghiệp "trồng người"

06:49, 14/10/2020

Đắk Lắk hiện có 491 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 48,76%; 3 năm liên tiếp dẫn đầu các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về thành tích học sinh giỏi THPT cấp quốc gia...

Vừa được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động toàn quốc lần X, giai đoạn 2020 - 2025, thầy Lê Quang Nhân (Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) đã có những thành tích đáng tự hào trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế ở bộ môn Tin học. Đặc biệt, năm học 2018 - 2019, em Trần Thế Phong - học sinh do thầy Nhân bồi dưỡng đã đoạt giải Nhất và là thủ khoa toàn quốc môn Tin học trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, được tham dự vòng 2 kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và xuất sắc lọt vào Đội tuyển của Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic châu Á - Thái Bình Dương (APIO). Thế Phong cũng là học sinh đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk trở thành thành viên Đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic châu lục và quốc tế.

Với quan điểm “học sinh không phải là cái bình để giáo viên đổ đầy kiến thức mà các em như những ngọn đuốc cần người thầy thắp sáng để bùng cháy”, khi giảng dạy, giáo viên không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức mà cần tạo ra sự thích thú, động lực với môn học cho mỗi học sinh nên trong quá trình đứng lớp, thầy Nhân luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích học sinh thuyết trình, đặt câu hỏi, chất vấn thắc mắc; đồng thời định hướng chiến lược, mục tiêu nhiệm vụ học tập theo từng giai đoạn, sau đó động viên và yêu cầu học sinh thực hiện…

Với những nỗ lực của bản thân, thầy Nhân đã góp phần nâng bề dày thành tích của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du về đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, vươn lên dẫn đầu các trường của 12 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về học sinh giỏi quốc gia. 

Học sinh Trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M'gar)  trong giờ thực hành thí nghiệm.
Học sinh Trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M'gar) trong giờ thực hành thí nghiệm.

Không chỉ Trường THPT Chuyên Nguyễn Du - cái nôi đào tạo học sinh giỏi của tỉnh, nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh cũng đạt những thành tích đáng tự hào trong đào tạo giáo dục mũi nhọn. Có thể kể đến như: Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) với học sinh Vũ Quốc Anh đoạt giải Nhì chung kết năm 2020 của chương trình Đường lên đỉnh Olympia; Trường Tiểu học, THCS & THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột) với hai học sinh Đỗ Thị Đình Nguyên và Võ Đức Dũng đoạt giải Ba tại Vòng chung kết Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2019 - 2020… Qua đó, góp phần tô đậm bảng vàng thành tích của ngành GD-ĐT tỉnh nhà.

Bên cạnh giáo dục mũi nhọn, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng được ngành GD-ĐT tỉnh quan tâm. Chất lượng giáo dục ở các bậc học, cấp học luôn ổn định; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường hằng năm đảm bảo yêu cầu; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao. Các trường học, cơ sở giáo dục bậc phổ thông thực hiện nghiêm túc các nội dung dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng Chương trình giáo dục phổ thông mới; tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học, học sinh lên lớp trong các năm học qua luôn ở mức cao.

Giáo viên Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn học sinh thực hành, nghiên cứu khoa học.
Giáo viên Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn học sinh thực hành, nghiên cứu khoa học.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Trong tổng số hơn 26.200 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đã có 67,57% đạt trình độ trên chuẩn. Mạng lưới, quy mô trường lớp tiếp tục được mở rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.026 trường, 15.762 lớp từ mầm non đến THPT; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 65%. Hệ thống các trường ngoài công lập phát triển mạnh với 86 trường ngoài công lập, gồm: 75 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 4 trường THPT (trong đó có 3 trường nhiều cấp học). Nhiều ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được tăng cường, giáo dục vùng đồng bào dân tộc và địa bàn khó khăn được đầu tư bài bản, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú phát triển ổn định... tạo khí thế, động lực cho thầy và trò cùng quyết tâm dạy tốt, học tốt.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa cho biết, xác định đầu tư cho con người là đầu tư có tính chiến lược, là cơ sở chắc chắn nhất cho sự phát triển bền vững, vì thế trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục đặt ra những mục tiêu, giải pháp quan trọng để tập trung thực hiện, trong đó sẽ đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học, chú trọng giáo dục đạo đức học sinh; tiếp tục nâng cao chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, tạo nguồn bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT; các hoạt động khuyến học, khuyến tài, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; chú trọng công tác hội nhập quốc tế về GD-ĐT, tăng cường hợp tác quốc tế để đưa GD-ĐT tỉnh nhà tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.