Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui của học sinh nghèo vùng biên

09:55, 14/10/2020

Vừa qua Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Ea Súp tổ chức Chương trình "Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" tại xã vùng biên Ia R'vê.

Theo đó, chương trình đã trao tặng 125 chiếc xe đạp cho học sinh các xã Ia R’vê, Ya Lốp, Ea Lê… với tổng kinh phí gần 144 triệu đồng, do các thành viên của Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam và những người yêu lan trên cả nước hỗ trợ.

Tiếp nhận phần quà là chiếc xe đạp mới tại chương trình, em Võ Thành Thuận Phát (học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Định, xã Ia R’vê) cho hay, xe đạp là niềm mơ ước lâu nay nên khi nhận được chiếc xe em rất vui, nhờ đó đường đến trường sẽ thuận lợi hơn. Tương tự, em Lê Thị Hồng Sang (học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Ya Lốp) không giấu nổi niềm vui. Sang chia sẻ, hằng ngày em luôn chở em gái của mình đi học bằng chiếc xe đạp cũ khá xộc xệch. Ngày nắng đường khô không sao, ngày mưa đường trơn thường hay bị ngã bẩn hết quần áo. Với chiếc xe đạp mới này, chắc chắn sẽ giúp em yên tâm hơn trên con đường đến trường.

Đại diện Huyện ủy, UBND huyện Ea Súp và Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam trao xe đạp cho học sinh vùng biên.
Đại diện Huyện ủy, UBND huyện Ea Súp và Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam trao xe đạp cho học sinh vùng biên.

Ea Súp là huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, riêng các xã giáp biên là Ia R’vê, Ya Lốp tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm lên đến 60 - 70%. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Bí thư Huyện ủy, Quyền Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho hay, do đặc thù vùng biên, đường sá đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, mùa khô kéo dài,  trong khi người dân chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên lại càng khó khăn hơn. Do đó, Chương trình “Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó” được tổ chức tại xã Ia R’vê sẽ góp phần chia sẻ khó khăn của các em học sinh nơi đây. Hơn thế, diễn ra trong thời điểm huyện đang tổ chức các hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chương trình lại càng thêm ý nghĩa.

Theo anh Phan Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam, Chương trình "Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" lần này được tổ chức tại xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk nên nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các thành viên trong Hội cũng như những người yêu hoa lan cả nước. Ngoài ủng hộ bằng tiền mặt, quà tặng, cây giống để gây quỹ, nhiều người còn cất công từ Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Định về Đắk Lắk để tham dự. Sự đồng hành đó thể hiện mối quan tâm sâu sắc của người dân cả nước đối với cuộc sống, việc học tập của thế hệ trẻ ở vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk. Minh chứng là sau khi chương trình diễn ra xong, các thành viên tham gia còn tổ chức đấu giá và trao tặng thêm 9 chiếc xe đạp cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Ea Súp, nâng tổng số xe được trao tặng đợt này lên 134 xe, với tổng trị giá hơn 154 triệu đồng.

Phụ huynh và học sinh vui mừng khi nhận xe đạp do Chương trình
Phụ huynh và học sinh vui mừng khi nhận xe đạp do Chương trình "Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" trao tặng.
Đến nay Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam đã triển khai Chương trình "Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" tại 59/63 tỉnh thành, với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Riêng tỉnh Đắk Lắk đây là lần thứ ba chương trình được tổ chức.

Trực tiếp hỗ trợ, tham gia với vai trò là nhà cung cấp và vận chuyển xe đạp cho chương trình vừa qua, chị Nguyễn Hồng Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Nam Sơn (tỉnh Bình Định) cho hay, chị tham gia chương trình với vai trò cá nhân từ năm 2019. Sau một năm tiếp xúc và trực tiếp hỗ trợ Hội trong việc kết nối, vận chuyển xe đạp cho Chương trình "Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong năm 2019, chị nhận thấy mục tiêu, ý nghĩa sâu sắc của chương trình: hướng tới đối tượng là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp các em có thể tiếp bước đến trường. Do đó, năm 2020 chị đã chủ động liên hệ với Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam về việc cung cấp xe đạp cho Chương trình “Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" trên cả nước với mức giá ưu đãi bằng giá sản xuất (bảo đảm chi phí nguyên liệu, nhân công cho công ty) để có thể mang thêm những phần quà khác đến với các học sinh. Tất cả số xe cung cấp cho chương trình đều được giao tận tay các em tại địa điểm tổ chức và chính điều này đã đem đến những trải nghiệm ý nghĩa cho chị và công nhân của công ty. Đơn cử, trong Chương trình “Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" được tổ chức tại huyện Ea Súp vừa qua, đội ngũ nhân viên của công ty xuất phát từ tỉnh Bình Định vào đầu giờ chiều ngày 9-10 và dự kiến khoảng 7 giờ tối cùng ngày sẽ có mặt tại địa điểm tổ chức là xã Ia R’vê. Tuy nhiên, do đường xấu, nhiều ổ voi, ổ gà, buộc xe tải phải chạy chậm và thấp thỏm lo vì sợ đường xấu, sợ xe đạp va đập trong quá trình vận chuyển gây hư hỏng, trầy sơn… nên đến 2 giờ sáng ngày 10-10 đoàn mới đến nơi. Đến lúc bốc xe xuống, kiểm tra từng chiếc một chị mới thở phào nhẹ nhõm. Hiện tại, vẫn còn 9 chiếc xe đạp mới phát sinh từ cuộc đấu giá bán lan sau chương trình là khá ít đối với một chuyến hàng, nhưng chị sẽ tìm cách phối hợp với các đại lý để vận chuyển xe đến với các em trong thời gian sớm nhất có thể.

“Cùng em đến trường - Đồng hành cùng học sinh vượt khó" là hoạt động thường niên của Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam nhằm tạo sự kết nối, giao lưu giữa những người yêu lan. Đồng thời kết nối sự đồng hành, chia sẻ giữa những mạnh thường quân đến các em học sinh nghèo, vượt khó trên cả nước.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.