Multimedia Đọc Báo in

Xử lý nghiêm khắc vụ bạo hành học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột)

18:55, 13/10/2020

Sáng 13-10, đại diện Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) về việc giáo viên của trường đánh một em học sinh lớp 3  bầm tím đùi đang gây bức xúc dư luận xã hội. 

Trước đó, chiều 12-10, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin em T.B.T.Đ., học sinh lớp 3B, phân hiệu II, Trường Tiểu học Nguyễn Du bị giáo viên chủ nhiệm A.T.T. đánh bầm tím một bên đùi.

Tại buổi làm việc, cô giáo T. đã tường trình lại sự việc, thừa nhận dùng thước đánh vào đùi của em Đ. trong giờ học; đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình, học sinh và nhà trường về hành vi thiếu kiềm chế của mình. 

 

Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du ký biên bản vi phạm quy định nghề giáo đối với giáo viên T. 
Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du ký biên bản vi phạm quy định nghề giáo đối với giáo viên T.

Sau khi nghe Ban Giám hiệu nhà trường báo cáo và xác minh vụ việc, căn cứ theo điều 2, khoản 21, Nghị định138/2013/NĐ-CP, đại diện Phòng GD-ĐT đã lập biên bản vi phạm quy định nghề giáo đối với giáo viên T. và đề nghị UBND TP. Buôn Ma Thuột ban hành quyết định xử phạt và hình thức xử phạt bổ sung đối với giáo viên TĐồng thời, yêu cầu nhà trường cử giáo viên tiếp tục theo dõi, quan tâm đến tinh thần, sức khỏe, quá trình học tập của em Đ. tại trường trong thời gian tới.

Đại diện Công đoàn, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường đã kiến nghị với Phòng GD-ĐT xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật đối với giáo viên T. bởi đây là lần đầu tiên vi phạm trong hơn 31 năm gắn bó với nghề.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện Phòng GD- ĐT đã đến lớp học thăm hỏi tình hình sức khỏe, học tập của em Đ. ở phân hiệu II, Trường Tiểu học Nguyễn Du.

Đại diện Phòng GD-ĐT và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Du hỏi thăm tình hình  sức khỏe, học tập của em Đ.
Đại diện Phòng GD-ĐT và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Du hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập của em Đ.

Xung quanh vụ việc này, bà Trịnh Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du thông tin: ngay sau khi xảy ra sự việc, chiều 6-10, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường đã vào phân hiệu trực tiếp làm việc với giáo viên chủ nhiệm lớp 3B, yêu cầu cô T. viết tường trình và Bản kiểm điểm. Đồng thời, thành lập tổ công tác cùng với giáo viên chủ nhiệm đến nhà thăm hỏi, trình bày sự việc và xin lỗi gia đình của học sinh Đ. Đại diện phía gia đình học sinh cũng đã đồng ý chờ nhà trường báo cáo sự việc với Phòng GD-ĐT để có hướng xử lý đối với giáo viên T.

Sáng 7-10, nhà trường tiến hành họp, ra quyết định đình chỉ công tác giảng dạy của giáo viên T. đến khi có văn bản chỉ đạo mới của các cấp, ngành liên quan; kết hợp hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình nhà trường đang hoàn tất các thủ tục (gồm 5 bước) để báo cáo vụ việc, chiều 12-10, bà ngoại của em Đ. đã đưa thông tin lên mạng xã hội. "Từ khi sự việc xảy ra, nhà trường đã cử giáo viên thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình của em Đ. tại trường; đến nay em Đ. vẫn đi học, sinh hoạt vui vẻ, bình thường", bà Dung khẳng định.

Lớp 3B phân hiệu II, Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) trong tiết học tiếng
Lớp 3B, phân hiệu II, Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) trong tiết học tiếng Anh.

"Mặc dù đã được gia đình của học sinh thông cảm nhưng hành động của cô T. là sai, quan điểm của Phòng GD - ĐT là không bao che, kể cả khi phụ huynh không yêu cầu xử lý. Mặt khác, để thấu tình, đạt lý, Phòng GD-ĐT sẽ xem xét vụ việc cụ thể, đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với viên chức, nhưng cũng cần phải đánh giá quá trình công tác, những đóng góp của  cô giáo T. cho ngành Giáo dục để không vì một sai phạm mà phủ nhận công lao của giáo viên", ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng Phòng GD- ĐT TP. Buôn Ma Thuột cho biết. 

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.